Nhật Bản đạt thặng dư tài khoản vãng lai lớn nhất trong ba năm

Cán cân tài khoản vãng lai của Nhật Bản vào tháng 2/2015 đã đạt thặng dư lớn nhất trong hơn 3 năm qua trong bối cảnh đồng yen giảm giá mạnh.
Nhật Bản đạt thặng dư tài khoản vãng lai lớn nhất trong ba năm ảnh 1Bốc dỡ hàng hóa tại cảng Tokyo ngày 13/1. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Cán cân tài khoản vãng lai của Nhật Bản vào tháng 2/2015 đã đạt thặng dư lớn nhất trong hơn 3 năm qua trong bối cảnh đồng yen giảm giá mạnh, làm tăng thu nhập của Nhật Bản từ nước ngoài trong khi giá dầu thô sụt giảm trên toàn cầu đã góp phần ghìm chi phí nhập khẩu.

Bộ Tài chính Nhật Bản ngày 8/4 ra báo cáo sơ bộ cho biết thặng dư tài khoản vãng lai của nước này đạt 1.440,1 tỷ yen, mức lớn nhất kể từ khi giá trị này đạt mức đỉnh điểm 1.614,5 tỷ yen hồi tháng 9/2011 - 6 tháng sau thảm họa kép gây ra cuộc khủng hoảng hạt nhân Fukushima.

Một quan chức chính phủ cho biết đây là lần đầu tiên kể từ tháng 4/2013 thặng dư tài khoản vãng lai của Nhật Bản đạt mức đỉnh điểm 1.000 tỷ yen và nước này đã đánh dấu 8 tháng liên tục đạt thặng dư.

Hàng hóa xuất khẩu tăng 0,4% so với năm trước lên 5.958,8 tỷ yen nhờ đơn hàng ôtô tăng mạnh nhưng nhập khẩu giảm 6,2% xuống 6.102 tỷ yen, đẩy thâm hụt thương mại hàng hóa giảm xuống còn 143,1 tỷ yen.

Nhập khẩu dầu thô giảm 54,8% trong tháng 2/2015 trong bối cảnh giá dầu trung bình giảm tới 55,4% xuống còn 49,45 USD/thùng.

Thặng dư tài khoản thu nhập chính, phản ảnh việc Nhật Bản thu được bao nhiêu từ đầu tư ở nước ngoài, tăng 27,5% lên 1.862,2 tỷ yen, nhờ đồng yen yếu giúp tăng nguồn thu từ đầu tư chứng khoán ở nước ngoài.

Thặng dư thu nhập đạt mức lớn nhất trong tháng Hai kể từ khi dữ liệu so sánh được thu thập từ năm 1985.

Cán cân thanh toán du lịch đạt thặng dư 63,3 tỷ yen do số lượng du khách nước ngoài đến Nhật Bản tăng 57,6% so với cùng kỳ năm trước lên mức 1,39 triệu lượt người, mức lớn nhất từ trước đến nay.

Thặng dư du lịch tăng trưởng do du khách Trung Quốc đến Nhật Bản tăng trong dịp nghỉ Tết Nguyên Đán vào nửa cuối tháng 2/2015.

Khu vực dịch vụ, bao gồm cả vận tải hành khách và hàng hóa, hứng thâm hụt 108,7 tỷ yen.

Đồng yen giảm so với USD tới 16,1% so với cùng kỳ xuống mức trung bình 118,57 yen/USD.

Đồng yen giảm giá thường hỗ trợ cho xuất khẩu nhờ giúp cho hàng hóa rẻ hơn ở nước ngoài và đẩy giá trị lợi nhuận ở nước ngoài lên.

Trong khi đó, Nhật Bản phụ thuộc vào nhập khẩu hơn 90% năng lượng cần thiết và 60% nhu cầu thực phẩm từ nước ngoài.

Sáng 8/4, giá trị USD dao động xuống mức dưới 120 yen ở Tokyo, thay đổi đôi chút so với giá trị qua đêm tại thị trường New York.

Cụ thể, lúc 9 giờ sáng, giá USD đạt 120,28-102,30 yen so với mức 120,23-120,33 yen ở New York và 119,82-119,84 yen ở Tokyo lúc 5 giờ chiều hôm 7/4.

Cú dao động này diễn ra trong bối cảnh thị trường kỳ vọng Ngân hàng Nhật Bản (BOJ) sẽ sớm tuyên bố chính sách tiền tệ, theo đó ngân hàng trung ương nước này sẽ tiếp tục nới lỏng tiền tệ hơn nữa vào cuối ngày 8/4./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục