Một ủy ban chịu trách nhiệm giải quyết vấn đề suy giảm dân số ngày 14/11 đã soạn thảo báo cáo cuối cùng trong đó đặt mục tiêu duy trì tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân khoảng 1,5-2% ngay cả sau nửa thế kỷ tới.
Theo báo cáo này, Ủy ban thuộc Hội đồng chính sách kinh tế và tài chính của Chính phủ Nhật Bản đã kêu gọi tăng gấp đôi ngân sách dành cho các biện pháp đối phó với tình trạng giảm tỷ lệ sinh từ nay đến khoảng năm 2020 và thúc đẩy tỷ lệ việc làm cho phụ nữ ở độ tuổi 30 và 40 tới 5%.
Báo cáo trên còn phản ánh từng bước đi mà chính quyền của Thủ tướng Shinzo Abe tiến hành nhằm giải quyết vấn đề suy giảm dân số của Nhật Bản. Các biện pháp cụ thể nhằm giải quyết vấn đề trên có thể bao gồm cả một chiến lược toàn diện và dự thảo ngân sách cho tài khóa 2015, bắt đầu từ tháng 4/2015.
Ủy ban do Chủ tịch Văn phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (JCCI) Akio Mimura dự tính trong báo cáo tạm thời công bố hồi tháng 5/2014 về mục tiêu duy trì dân số Nhật Bản khoảng 100 triệu người trong 50 năm tới. Ông Mimura ngày 14/11 cho biết tại cuộc họp báo sau hội nghị hoàn tất báo cáo này rằng: “Triển vọng trở nên ảm đạm nếu tình hình vẫn diễn biến như hiện nay nhưng nếu chúng ta đề ra các chính sách thì có thể sẽ thay đổi được tương lai."
Quốc vụ khanh phụ trách chính sách kinh tế và tài chính Akira Amari cho biết ông muốn báo cáo trên phản ánh được các chính sách kinh tế và tài chính của Nhật Bản trong tương lai. Nếu tỷ lệ sinh của Nhật Bản vẫn thấp, dân số Nhật Bản dự kiến sẽ giảm xuống còn khoảng 87 triệu người vào năm 2060.
Báo cáo này cho biết sự sụt giảm dân số vào nửa cuối thập kỷ 2030 sẽ là gánh nặng lớn nhất cho tăng trưởng kinh tế của nước này. Để đối phó với viễn cảnh này, cần phải thúc đẩy một cách đầy đủ ngân sách chính phủ cho các biện pháp chặn tình trạng giảm tỷ lệ sinh và ngăn chặn suy giảm dân số hơn nữa trong lực lượng thanh niên từ nay đến đầu năm 2020.
Báo cáo cũng tiết lộ mục tiêu thúc đẩy khoảng 3% tỷ lệ việc làm cho người trên 65 tuổi. Với dân số tập trung ở Tokyo, ủy ban trên khẳng định cần phải điều chỉnh tình hình và giúp tái sinh kinh tế địa phương./.