Ngày 8/4, Ngoại trưởng Nhật Bản Iwaya Takeshi đã trình bày Sách Xanh Ngoại giao 2025 tại cuộc họp Nội các, trong đó có nhận định Việt Nam là một quốc gia có vị trí địa chính trị quan trọng và thị trường hứa hẹn.
Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo dẫn thông tin từ Sách Xanh Ngoại giao 2025 của Nhật Bản, Việt Nam sở hữu vị trí địa chính trị quan trọng, khi giáp với các tuyến đường biển của Biển Đông và có chung đường biên giới dài với Trung Quốc.
Với dân số lớn thứ ba ở Đông Nam Á và tầng lớp thu nhập trung bình đang phát triển nhanh chóng, Việt Nam được đánh giá là một thị trường nhiều hứa hẹn.
Sách Xanh Ngoại giao 2025 nhận định kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát, xu hướng đa dạng hóa chuỗi cung ứng đã dẫn đến xu hướng các công ty nước ngoài, trong đó có các công ty Nhật Bản, chuyển cơ sở sản xuất sang Việt Nam.
Việt Nam đặt mục tiêu trở thành nước phát triển vào năm 2045 và đạt mức trung hòa carbon vào năm 2050, đồng thời tích cực thúc đẩy GX (Chuyển đổi xanh) và DX (Chuyển đổi số).
Ngoài ra, quốc gia Đông Nam Á cũng đang nỗ lực đạt được tăng trưởng kinh tế ổn định thông qua các biện pháp ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thu hút vốn nước ngoài thông qua phát triển cơ sở hạ tầng và cải thiện môi trường đầu tư.
Theo Sách Xanh Ngoại giao 2025 của Nhật Bản, do các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt nhằm ngăn chặn dịch COVID-19, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đã giảm xuống còn khoảng 2% trong giai đoạn 2020-2021. Tuy nhiên, nền kinh tế đã phục hồi mạnh mẽ với mức tăng trưởng 8,02% năm 2022 và 5,05% năm 2023.
Sách Xanh cho biết Nhật Bản và Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 21/9/1973. Nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ vào năm 2023, hai nước đã nâng cấp quan hệ lên mức "Đối tác Chiến lược Toàn diện vì Hòa bình và Thịnh vượng ở châu Á và Thế giới," với hơn 500 hoạt động kỷ niệm được tổ chức tại cả hai nước. Các cuộc tiếp xúc cấp cao được triển khai đều đặn trong khuôn khổ quan hệ đối tác mới này.
Năm 2024, hoạt động trao đổi cấp cao tiếp tục diễn ra tích cực. Tháng 8/2024, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn đã thăm Nhật Bản, đồng chủ trì cuộc họp Ủy ban Hợp tác Việt Nam-Nhật Bản và cuộc họp cấp bộ trưởng với Bộ trưởng Ngoại giao lúc đó - bà Kamikawa Yoko.
Tại đây, hai bên đã nhất trí tăng cường hợp tác trong nhiều lĩnh vực, chẳng hạn như kinh tế, giao lưu nhân dân, giao lưu địa phương và an ninh.
Tháng 9/2024, Thứ trưởng Ngoại giao Komura Masahiro đã đến thăm Việt Nam và tham dự một diễn đàn quốc tế do Thành phố Hồ Chí Minh đăng cai.
Sau đó, Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba cũng đã gặp Thủ tướng Phạm Minh Chính bên lề Hội nghị Cấp cao ASEAN tháng 10, và gặp Chủ tịch nước Lương Cường tại Hội nghị Cấp cao APEC tháng 11.
Các cuộc gặp đã ghi nhận sự nhất trí về việc tăng cường hợp tác trên mọi lĩnh vực, trong đó có an ninh.
Tháng 12/2024, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Trần Thanh Mẫn đã thăm Nhật Bản và hội đàm với Chủ tịch Hạ viện Nukaga Fukushiro cùng Chủ tịch Thượng viện Sekiguchi Masakazu, tại đây các nhà lãnh đạo đã thống nhất về tầm quan trọng của việc tăng cường giao lưu nhân dân.
Về cộng đồng người Việt tại Nhật Bản, Sách Xanh ghi nhận số lượng người Việt cư trú tại Nhật, chủ yếu là thực tập sinh kỹ thuật, đang tiếp tục tăng - từ khoảng 40.000 người năm 2011 lên hơn 600.000 người vào cuối tháng 6/2024 - trở thành cộng đồng người nước ngoài lớn thứ hai tại Nhật sau Trung Quốc./.

Quan hệ Việt Nam-Nhật Bản tiếp tục đà phát triển thực chất, toàn diện
Tiếp Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Ito Naoki, Tổng Bí thư Tô Lâm bày tỏ vui mừng khi chứng kiến quan hệ Việt Nam-Nhật Bản tiếp tục đà phát triển thực chất, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.
Bình luận
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu