Nhật Bản: Đảng cầm quyền đồng ý cho thực tập sinh nước ngoài thay đổi công việc

Chương trình thực tập sinh được cải cách nhằm mục đích bồi dưỡng kỹ năng cho lao động nước ngoài sử dụng chuyên môn của Nhật Bản, đồng thời đảm bảo nguồn lao động cho các ngành thiếu nhân lực.

Ảnh minh hoa. (Nguồn: LDP)
Ảnh minh hoa. (Nguồn: LDP)

Những nỗ lực cải cách chương trình thực tập sinh nước ngoài gây tranh cãi của Nhật Bản đã tiến thêm một bước vào ngày 5/2 sau khi một ủy ban của đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền chấp nhận đề xuất mới nhất của chính phủ về việc cho phép thực tập sinh nước ngoài chuyển việc.

Chương trình thực tập sinh được cải cách nhằm mục đích bồi dưỡng kỹ năng cho lao động nước ngoài sử dụng chuyên môn của Nhật Bản, đồng thời đảm bảo nguồn lao động cho các ngành thiếu nhân lực.

Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, đề xuất mới nhất sẽ cho phép thực tập sinh làm việc tại Nhật Bản trong 3 năm để đạt được những kỹ năng cần thiết nhằm đủ điều kiện xin thị thực “công nhân lành nghề” trong những ngành nghề được chỉ định.

Các thực tập sinh có thể xin chuyển việc sang doanh nghiệp mới sau 1-2 năm, tùy thuộc vào ngành của họ.

Khi các thực tập sinh chuyển sang thị thực lao động có tay nghề được chỉ định, họ sẽ có thể được hưởng thêm các quyền lợi và tính linh hoạt. Những người đủ điều kiện thuộc danh mục “lao động lành nghề đặc định 2,” hướng đến những cá nhân có kỹ năng chuyên môn cao, sẽ có thể mang theo gia đình và làm việc tại Nhật Bản vô thời hạn. Họ cũng có thể nộp đơn xin cư trú khi đáp ứng được yêu cầu.

Trong khi chờ sự chấp thuận của các quan chức liên quan, chính phủ đặt mục tiêu trình các luật cần thiết lên phiên họp Quốc hội hiện tại.

Thời gian chờ đợi tối thiểu để chuyển đổi công việc từng là điểm gây tranh cãi lớn giữa chính phủ và LDP. Mùa Thu năm ngoái, một hội đồng chuyên gia của chính phủ đã kêu gọi thực tập sinh có thể thay đổi nhà tuyển dụng sau một năm.

Tuy nhiên, đảng cầm quyền phản đối ý tưởng này và kêu gọi chờ ít nhất 2 năm. Một số nghị sỸ LDP nêu lên lo ngại rằng thực tập sinh có thể nhanh chóng rời bỏ người sử dụng lao động ở khu vực nông thôn để đến các thành phố lớn. Cũng có lo ngại rằng 1 năm không đủ thời gian để đào tạo công nhân trong một số ngành.

Để giải quyết các quan ngại này, Tổng cục quản lý xuất nhập cảnh và lưu trú Nhật Bản (ISA) đã đồng ý thời gian chờ chuyển việc là tối đa 2 năm và mục tiêu cuối cùng là giảm xuống còn 1 năm. ISA cho biết sẽ tốt hơn nếu các thực tập sinh làm việc cho một công ty trong suốt 3 năm.

Đề xuất mới cũng đặt ra các yêu cầu khắt khe hơn về tiếng Nhật đối với các thực tập sinh đang tìm kiếm đơn vị tuyển dụng mới và xây dựng các bài kiểm tra năng lực tiếng Nhật mới dành riêng cho từng ngành với những người muốn chuyển sang thị thực lao động lành nghề với từng ngành cụ thể.

Lao động nước ngoài sẽ được khuyến khích tiếp tục học tiếng Nhật sau khi đến Nhật Bản. Đề xuất cũng cấm các công ty thuộc khu vực tư nhân đóng vai trò trung gian giữa người tìm việc với người sử dụng lao động trong thời gian tới - một nỗ lực nhằm ngăn chặn các tác nhân độc hại lợi dụng thực tập sinh.

Chương trình thực tập sinh kỹ thuật nước ngoài hiện tại của Nhật Bản đang bị chỉ trích vì lạm dụng người lao động và thiếu sự giám sát.

Nhiều thực tập sinh đã mất tích trong nhiều năm, được cho là đã từ bỏ chương trình vì những khó khăn mà họ phải trải qua.

Trong khi đó, nhiều quốc gia khác cho phép người lao động nước ngoài linh hoạt hơn. Vương quốc Anh không áp đặt giới hạn về việc chuyển đổi người sử dụng lao động, trong khi Mỹ yêu cầu sự chấp thuận của cơ quan quản lý nhập cư.

Đài Loan (Trung Quốc) và Singapore không cho phép người lao động nước ngoài chuyển việc trừ khi họ đạt được thỏa thuận với người sử dụng lao động hiện tại.

Nhật Bản đang chịu áp lực phải cải thiện cách đối xử với lao động nước ngoài khi nước này phải đối mặt với sự cạnh tranh toàn cầu về nhân tài và tình trạng thiếu lao động nghiêm trọng trong nước. Tuy nhiên, sự thỏa hiệp mới nhất về chương trình thực tập sinh nước ngoài cho thấy áp lực dai dẳng ở Nhật Bản trong việc duy trì nguyên trạng chương trình hiện hành./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục