Reuters, Financial Times và Sputnik đưa tin, dư luận những ngày qua rất quan tâm tới công tác chuẩn bị và tiến hành lễ đăng quang của Nhật Hoàng, sự kiện có sự tham dự của phái đoàn cấp cao từ hơn 150 quốc gia.
Tuy nhiên, theo nhận định của Sputnik, ít người nhận ra những lo ngại của Nhật Bản về sức mạnh quân sự của quốc gia này.
Tuần trước, Chính phủ Nhật Bản đã cùng với các đối tác Mỹ thảo luận việc gửi tàu chiến đến Trung Đông để đảm bảo an toàn cho việc vận chuyển hàng hải ở eo biển Hormuz.
Reuters dẫn lời Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga phát biểu trong cuộc họp báo hồi tuần trước: “Chúng tôi không tham gia liên minh với Mỹ, song sẽ phối hợp chặt chẽ với họ. Lực lượng Phòng vệ sẽ triển khai các nỗ lực nhằm đảm bảo sự an toàn của các tàu Nhật Bản.”
Bối cảnh khu vực hiện đang rất bất ổn bởi những xung đột giữa Iran, Saudi Arabia, Israel và Mỹ, cũng như nạn cướp biển nghiêm trọng.
Dù là đồng minh của Mỹ song mối quan hệ ngoại giao và kinh tế gần gũi với Iran cũng khiến Tokyo chần chừ. Nhật Bản đã đề xuất đóng vai trò trung gian nhằm hạ nhiệt căng thẳng khu vực.
Cân nhắc của Tokyo có thể bắt nguồn từ lo ngại nguy cơ nguồn cung và hoạt động vận chuyển dầu mỏ bị gián đoạn, song nhà phân tích chính trị Piots Tsvetov của Sputnik nhận định những thảo luận kể trên đi ngược Hiến pháp hòa bình, vốn cấm Nhật Bản tham gia chiến sự.
[Nhật Bản diễn tập hệ thống đánh chặn tên lửa tại khu vực công cộng]
Ngay cả trong trường hợp các mâu thuẫn không dẫn đến đụng độ vũ trang thì sự hiện diện của quân nhân Nhật Bản ở nước ngoài cũng có thể bị coi là vi phạm các điều khoản hòa bình.
Financial Times bình luận: “Nếu việc triển khai này được hiện thực hóa, đây sẽ là bước đi mới nhất trong những quyết sách đối ngoại cứng rắn của Thủ tướng Shinzo Abe, người vừa tới thăm Iran hồi tháng Sáu. Thủ tướng đang tìm cách ‘thử nghiệm’ những giới hạn pháp lý vốn ràng buộc việc triển khai Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản.”
Một thực tế khác cũng phản ánh tâm lý quân phiệt trong giới lãnh đạo Nhật Bản là việc vào tuần trước, hai bộ trưởng và hơn 100 nhà lập pháp nước này đã đến thăm Đền Yasukuni, nơi tưởng niệm những người Nhật đã ngã xuống trong Chiến tranh thế giới lần thứ hai, trong khi Thủ tướng Shinzo Abe thực hiện một nghi lễ tưởng nhớ các vị tướng đã hy sinh.
Cũng như những năm trước, hành động này đã khiến nhiều quốc gia láng giềng như Hàn Quốc, Triều Tiên và cả Trung Quốc hết sức bất bình.
Theo Sputnik, dư luận hiện đang đặt dấu hỏi về thái độ của tân Nhật Hoàng trước các diễn biến quân sự hóa ở đất nước mình?
Trong bài phát biểu đầu tiên trên cương vị mới, Nhật Hoàng Naruhito kêu gọi người dân Nhật Bản “góp phần củng cố tình hữu nghị và hòa bình của toàn bộ cộng đồng quốc tế,” một phát biểu mà người ta cho là mâu thuẫn với những kế hoạch của chính phủ.
Trước đó, Thái Thượng hoàng Akihito từng tự hào rằng trong 30 năm kể từ khi ông lên ngôi, Nhật Bản không giao chiến với bất kỳ quốc gia này.
Tuy nhiên, Nhật Bản đang tiến hành kế hoạch vũ trang với tốc độ khá nhanh, và thực tế là với những phát biểu chuộng hòa bình, Nhật Hoàng cũng không thể làm được gì nhiều.
Nhật Hoàng trên thực tế không có trong tay quyền lực, vị trí của ông chỉ mang ý nghĩa tinh thần và không có ảnh hưởng đến các chính sách của chính phủ./.