Ngày 8/4, Cơ quan thanh tra thực phẩm Canada (CFIA) cho biết, Nhật Bản và Đài Loan đã áp đặt những hạn chế đối với gia cầm và các sản phẩm gia cầm xuất khẩu từ tỉnh Ontario của Canada sau khi có xác nhận về một vụ bùng phát nhiễm cúm gia cầm tại một trang trại nuôi gà tây ở Woodstock, phía Nam tỉnh Ontario.
Theo Phó Chủ tịch CFIA Paul Mayers, Nhật Bản và Đài Loan chiếm 1,6% thị trường xuất khẩu gia cầm và các sản phẩm gia cầm của Canada. Những xét nghiệm ban đầu được thực hiện ngày 5/4 tại Phòng thí nghiệm thú y thuộc ĐH Guelph, đã xác nhận loại gia cầm bị lây nhiễm thuộc chủng H5.
12.000 con gà tây tại trang trại có nhiễm cúm gia cầm sẽ bị tiêu hủy và xử lý. Chủ trang trại đã tuyên bố sẽ hợp tác với các quan chức của CFIA và chính quyền tỉnh Ontario. Người nuôi sẽ được bồi thường số gà tây bị tiêu hủy.
Vụ cúm gia cầm xuất hiện tại Woodstock, tỉnh Ontario sau khi các quan chức CFIA xác nhận hồi tháng Hai vụ nhiễm cúm gia cầm H5N1 tại một trang trại phi thương mại ở Chilliwack, tỉnh British Columbia. CFIA đã cách ly và tiêu hủy gia cầm của trang trại này.
Trước đó, vụ nhiễm cúm gia cầm H5N2 đã xảy ra tại Fraser Valley, tỉnh British Columbia, khiến CFIA phải cách ly một số trang trại nuôi gia cầm và tiêu hủy hàng nghìn gia cầm.
Vụ nhiễm cúm gia cầm tại Ontario cũng diễn ra khi các quan chức CFIA tiếp tục hạn chế nhập khẩu gia cầm sống và các sản phẩn gia cầm từ 10 bang của Mỹ là Montana, South Dakota, Kansas, Arkansas, Missouri, Minnesota, California, Idaho, Oregon và Washington do sự bùng phát lan rộng cúm gia cầm tại Mỹ.
Ông Mayers cho biết CFIA đang điều tra liệu nguồn gây cúm gia cầm tại tỉnh Ontario có phải từ Mỹ hay không và còn quá sớm để nói rằng các vụ bùng phát cúm gia cầm tại Canada có liên quan đến dịch này tại Mỹ.
Những hạn chế nhập khẩu gia cầm của Canada từ 10 thị trường khác vẫn còn hiệu lực sau các vụ bùng phát cúm gia cầm tại tỉnh British Columbia hồi đầu năm nay./.