Nhật Bản "cứu" doanh nghiệp "zombie" bằng cách cho phá sản

Theo Công ty nghiên cứu Teikoku Databank, gần 5.000 công ty tại Nhật Bản đã phá sản trong 6 tháng đầu năm nay, cao nhất trong 10 năm qua; tăng 33% so với năm ngoái.

Các doanh nghiệp đóng cửa ở thành phố Kitakyushu của Nhật Bản. (Nguồn: Nikkei)
Các doanh nghiệp đóng cửa ở thành phố Kitakyushu của Nhật Bản. (Nguồn: Nikkei)

Nhiều năm tăng trưởng chậm chạp và suy giảm dân số khiến nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ của Nhật Bản phải chật vật hoạt động nhờ sự trợ giúp của nhà nước và nguồn vốn gần như miễn phí.

Những công ty này, chiếm khoảng 70% số việc làm, hiện đang phải đối mặt với sự xáo trộn khi các hỗ trợ từ thời kỳ đại dịch giảm dần và lãi suất tăng lần đầu tiên trong 17 năm.

Theo Công ty nghiên cứu Teikoku Databank, có khoảng 251.000 công ty đã trở thành "doanh nghiệp zombie" vào năm ngoái, có nghĩa là lợi nhuận không đủ để trang trải các khoản thanh toán lãi suất trong một thời gian dài. Đây là con số cao nhất trong hơn 10 năm qua. Phần lớn các công ty này có 300 nhân viên trở xuống.

Ba quan chức chính phủ cấp cao của Nhật Bản cho biết chính phủ nước này sẵn sàng để nhiều công ty hoạt động kém hiệu quả phá sản hơn. Điều này phản ánh nhu cầu cấp thiết phải thay thế các doanh nghiệp trì trệ bằng những doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng. Nhưng quá trình này sẽ diễn ra một cách âm thầm và chậm rãi.

Một quan chức khẳng định: "Tương lai của Nhật Bản sẽ ảm đạm nếu không thể nâng cao năng suất lao động."

Nhật Bản đứng thấp hơn mức trung bình của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) về tiền lương hàng năm và GDP bình quân đầu người. GDP bình quân đầu người, một thước đo năng suất lao động, của Nhật Bản chỉ đạt 33.834 USD, đứng sau Pháp và Italy.

Mặc dù không mong đợi sự thay đổi như vậy sẽ diễn ra nhanh chóng, nhưng các quan chức này cho rằng quan điểm trên là một sự thay đổi rõ ràng đối với một quốc gia thường tránh việc phá sản và không ngại “hy sinh” năng suất để bảo vệ các việc làm hiện có.

Các quan chức trên cho biết động thái này sẽ giúp Nhật Bản tập trung lực lượng lao động và vốn đầu tư vào các công ty năng suất nhất trong một thị trường lao động thắt chặt, từ đó thúc đẩy tiền lương.

Thủ tướng Fumio Kishida đã gây áp lực để các công ty để tăng lương. Theo tổ chức công đoàn Rengo, mức tăng lương trung bình năm nay, 5,1% là mức cao nhất trong 30 năm, trong đó các công ty nhỏ hơn đạt trung bình 4,5%.

Một trong 3 quan chức nói trên cho biết Chính phủ Nhật Bản chắc chắn mong đợi các công ty không hiệu quả sẽ bị “xóa sổ” thông qua các vụ mua bán và sáp nhập (M&A), thay vì tình trạng phá sản và sa thải quy mô lớn. Chính phủ có các trung tâm hỗ trợ để tư vấn cho các doanh nghiệp nhỏ về M&A. Theo số liệu của chính phủ, khoảng 1.681 công ty nhỏ đã được mua lại với sự giúp đỡ của các trung tâm này trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3/2023.

Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản cho biết tình trạng phá sản hiện đang "có xu hướng tăng nhẹ" và đã trở lại mức trước đại dịch, trong khi người lao động đang chuyển việc để có điều kiện làm việc tốt hơn, trong đó có mức lương cao hơn.

Theo Teikoku Databank, gần 5.000 công ty đã phá sản trong khoảng thời gian từ tháng Một đến tháng Sáu năm nay, con số nửa đầu năm cao nhất trong 10 năm qua. Tổng số vụ phá sản tăng vọt 33% vào năm ngoái. Bộ trên cho biết sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình để đảm bảo tình trạng phá sản không tăng quá mức, kéo tỷ lệ thất nghiệp tăng theo./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục