Nhật Bản củng cố "xương sống" bảo vệ lãnh hải tranh chấp

Theo báo Yomiuri (Nhật Bản), tàu tuần tra Asazuki sẽ được điều đến căn cứ của sở cảnh sát biển Ishigaki, cơ quan có nhiệm vụ bảo vệ quần đảo Senkaku.
Nhật Bản củng cố "xương sống" bảo vệ lãnh hải tranh chấp ảnh 1(Nguồn: min.news)

Nhật Bản sẽ điều động một trong những tàu tuần tra lớn nhất tham gia các hoạt động đảm bảo an ninh hàng hải xung quanh quần đảo tranh chấp trên Biển Hoa Đông, trong bối cảnh tàu Trung Quốc liên tiếp đi vào vùng lãnh hải của Nhật Bản ở ngoài khơi quần đảo Senkaku tranh chấp giữa hai nước (mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư).

Theo báo Yomiuri (Nhật Bản), tàu tuần tra Asazuki sẽ được điều đến căn cứ của sở cảnh sát biển Ishigaki, cơ quan có nhiệm vụ bảo vệ quần đảo Senkaku.

Là một trong những tàu tuần tra mới nhất và lớn nhất trong hạm đội tàu tuần tra của lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản, tàu Asazuki sẽ thực hiện các chuyến hành trình thử nghiệm và có thể tiến hành các hoạt động giám sát và bảo vệ quần đảo tranh chấp nói trên sớm nhất vào tháng 11/2021.

Asazuki có tải trọng 6.500 tấn, có khả năng mang theo máy bay trực thăng. Cho đến nay, Nhật Bản đã có 5 tàu tuần tra cỡ lớn loại này trong hạm đội tàu bảo vệ bờ biển của mình.

Hỏa lực mạnh

Asazuki là con tàu thứ 5 thuộc lớp Shikishima. Ba tàu được giao cho căn cứ cảnh sát biển Kagoshima, một đến căn cứ Yokohama và một chiếc nữa sẽ đóng quân tại Ishigaki. Đây là những con tàu lớn với lượng choán nước toàn phần 9.300 tấn.

So với các loại khác, những tàu tuần tra này được trang bị vũ khí tốt hơn đáng kể. Asazuki có 2 khẩu pháo Bofors 40mm và 2 khẩu pháo bắn nhanh JM-61 cỡ nòng 20mm (biến thể của pháo M61 Vulcan của Mỹ trên máy bay). Cả hai khẩu pháo đều có thể bắn trúng mục tiêu mặt nước và mục tiêu trên không bay thấp.

Con tàu được trang bị radar tìm kiếm trên không, trên mặt biển, có độ phát hiện chính xác cao. Radar tìm kiếm đường không OPS-14 của Nhật Bản có thể phát hiện máy bay hoặc trực thăng ở khoảng cách 110 hải lý. Trước đây, "xương sống" của lực lượng tuần tra tại Ishigaki là các tàu lớp Kunigami.

[Nhật phản đối Trung Quốc đặt tên cho khu vực đáy biển ở Biển Hoa Đông]

Theo đài Sputnik, có 10 chiếc tàu lớp Kunigami đóng tại đây, tức một nửa trong toàn bộ tàu lớp này của Nhật Bản. Tuy nhiên, tàu lớp Kunigami không có rađa tìm kiếm và được trang bị một khẩu pháo JM-61 cỡ nòng 20mm. Hai tàu lớp Hateruma cùng căn cứ được trang bị một khẩu pháo Mk44 Bushmaster II 30mm. Như vậy, Asazuki có hỏa lực mạnh hơn các tàu "xương sống" trước đó. Quan trọng nhất, tàu tuần tra Asazuki mới có thể phát hiện những kẻ xâm nhập không phận và nếu cần, có thể khai hỏa phát súng cảnh báo.

Tầm xa hoạt động

Tàu tuần tra Asazuki có thể mang theo 2 trực thăng EC225LP Super Puma, có thể chở 24 người, tầm hoạt động lên tới 600 hải lý (tương đương 1.110km). Khoảng cách này đủ để đi từ khu vực quần đảo Senkaku đến Okinawa và ngược lại. Do đó, Asazuki không chỉ có thể tự mình đẩy lùi những kẻ vi phạm lãnh hải và không phận mà còn có thể đổ quân lên các đảo hoặc tàu thù địch.

Tàu cũng có thể chuyển quân tiếp viện, ví dụ một đơn vị lực lượng đặc biệt đến khu vực quần đảo Senkaku. Các tàu tuần tra loại trước không có căn cứ cho trực thăng mà chỉ có thể cho trực thăng hạ cánh và tiếp nhiên liệu.

Cuối cùng, các tàu tuần tra như Asazuki có tầm hoạt động đáng kinh ngạc. Con tàu như vậy có thể đi được 20.000 hải lý. Với tốc độ tối đa 25 hải lý/giờ, con tàu có thể hoạt động trong 800 giờ hoặc 33 ngày. Các loại tàu tuần tra trước đây cũng có thể đạt tốc độ tới 25 hải lý/giờ, nhưng tầm hoạt động của chúng chỉ là 4.000 hải lý.

Ở tốc độ tối đa, chúng có thể hoạt động trong 160 giờ hoặc 6,5 ngày. Như vậy, Asazuki có thể ở lại vùng biển Senkaku lâu hơn nhiều so với các tàu tuần tra lớp cũ. Do đó, việc đưa tàu tuần tra mới vào hoạt động giúp cải thiện đáng kể khả năng tuần tra vùng biển và không phận Senkaku.

Sự cần thiết của Asazuki

Theo ghi nhận của tờ News Week, năm 2020, lực lượng hải cảnh Trung Quốc đã xâm nhập lãnh hải Nhật Bản quanh khu vực quần đảo Senkaku với con số kỷ lục. Đài Sputnik cung cấp dữ liệu cho thấy có 24 trường hợp tàu Trung Quốc đi vào lãnh hải Nhật Bản và 333 trường hợp đi vào vùng biển giáp ranh trong năm 2020.

Các số liệu mà phía Nhật Bản thống kê trong năm 2021 còn đáng báo động hơn nữa. Ví dụ, tính đến ngày 18/8/2021, tàu "thân trắng" của Trung Quốc đã đi vào vùng lãnh hải quanh quần đảo Senkaku lên đến 212 ngày.

Giới chức Nhật Bản cho biết đội tàu Trung Quốc xâm nhập lãnh hải Nhật Bản bao gồm một tàu được trang bị pháo tự động, thường xuyên quấy nhiễu và xua đuổi tàu đánh cá của Nhật Bản. Trong một tuyên bố hồi tháng Bảy vừa qua, đại sứ quán Nhật Bản ở Washington đã gọi những vụ xâm phạm này là "hết sức đáng tiếc."

News Week cho rằng khi được triển khai, hoạt động của tàu Asazuki có thể giúp gia tăng khả năng của Nhật Bản trong việc đối phó với các hoạt động "vùng xám" của Bắc Kinh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục