Nhật Bản có thêm một di sản văn hóa phi vật thể của thế giới

Kỹ thuật kiến trúc thủ công truyền thống gồm 17 hạng mục thủ công có từ thời xa xưa của Nhật Bản đã chính thức được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể.
Nhật Bản có thêm một di sản văn hóa phi vật thể của thế giới ảnh 1Chùa Horyuji ở tỉnh Nara. (Nguồn: UNESCO)

Tại cuộc họp trực tuyến của Ủy ban liên chính phủ thuộc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) diễn ra ngày 17/12, kỹ thuật kiến trúc thủ công truyền thống của Nhật Bản đã chính thức được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể.

Kỹ thuật trên bao gồm 17 hạng mục thủ công có từ thời xa xưa của Nhật Bản, gồm kỹ thuật chế tác làm gỗ, kỹ thuật xây, lợp ngói, lợp cỏ, kỹ thuật chiếu tatami, các kỹ thuật trang trí, phối màu nội ngoại thất truyền thống.

Đặc trưng của các kỹ thuật này là đều sử dụng những nguyên liệu tự nhiên như gỗ, cỏ dại, đất... nhưng lại có khả năng chống chịu tốt trước thiên tai như bão gió, động đất.

Đại diện nổi tiếng nhất của kỹ thuật này là công trình xây dựng chùa Horyuji ở tỉnh Nara. Ngày nay, các kỹ thuật này vẫn đang được sử dụng để bảo tồn và sửa chữa các công trình cổ tại Nhật Bản.

Đây là di sản văn hóa phi vật thể thứ 22 của Nhật Bản được UNESCO công nhận, sau kịch Kabuki, kịch Noh, ẩm thực, giấy Nhật Bản...

Cơ quan chức năng Nhật Bản hy vọng sang năm tới, điệu múa dân gian Furyu Odori của nước sẽ tiếp tục được đăng ký vào danh sách di sản phi vật thể của UNESCO./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục