Nhật Bản có thể cân bằng cán cân ngân sách vào tài khóa 2027

Nhật Bản có thể đạt được tình hình tài chính "khỏe mạnh" trong tài khóa kết thúc vào tháng 3/2028, muộn hơn một năm so với dự báo trước đó
Nhật Bản có thể cân bằng cán cân ngân sách vào tài khóa 2027 ảnh 1(Nguồn: The Straits Times)

Theo dự báo mới nhất của Chính phủ Nhật Bản được công bố ngày 31/7, Nhật Bản có thể đạt được tình hình tài chính "khỏe mạnh" trong tài khóa kết thúc vào tháng 3/2028, muộn hơn một năm so với dự báo trước đó, do doanh thu thuế giảm trước sự giảm tốc của nền kinh tế toàn cầu.

Theo những dự báo trong dài hạn, Chính phủ Nhật Bản sẽ bị thâm hụt cán cân ngân sách sơ cấp (doanh thu thuế trừ đi chi tiêu, không tính khoản trả lãi nợ cũ) ở mức 2.300 tỷ yen (21 tỷ USD) vào tài khóa 2025, và cán cân này có thể sẽ “gần cân bằng” dù vẫn thâm hụt trong tài khóa 2026.

Trong dự báo trước đó được công bố hồi tháng Một, Văn phòng Nội các Nhật Bản đã dự đoán nền kinh tế nước này sẽ đạt được tình hình tài chính "khỏe mạnh" trong tài khóa kết thúc vào tháng 3/2027.

Nhưng chính phủ nước này đã đẩy lùi thời điểm dự báo này sang năm sau đó do Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nhật Bản không thể tăng trưởng như kế hoạch, một phần vì tình hình căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.

[Kinh tế Nhật Bản tiếp tục đà tăng trưởng mạnh mẽ trong quý 1]

Trong khi đó, chính phủ vẫn giữ nguyên dự báo mức tăng trưởng thực tế của nền kinh tế sẽ ở mức khoảng 2% và mức tăng trưởng danh nghĩa hơn 3% trong giai đoạn từ tài khóa 2023-2025, bất chấp căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, kịch bản mà các chuyên gia kinh tế cho là có thể lạc quan thái quá. Nếu tăng trưởng thực tế của Nhật Bản vẫn ở mức khoảng 1% như hiện tại, nền kinh tế lớn thứ ba thế giới sẽ bị thâm hụt 7.200 tỷ yen trong tài khóa 2025, theo dự báo mới nhất.

Để thúc đẩy doanh thu thuế, trong đó có việc tăng thuế tiêu dùng vào tháng Mười tới như dự kiến, Chính phủ Nhật Bản cần giảm chi tiêu hơn nữa để đạt được mục tiêu tình hình tài chính "khỏe mạnh" vào tài khóa 2025, vốn đã bj đẩy lùi 5 năm so với mục tiêu ban đầu.

Nhật Bản lâu nay vẫn đang “chật vật” trong việc cải thiện "thể trạng" tài khóa của mình, vốn đang yếu nhất trong số các nước phát triển, do chi phí an sinh xã hội, bao gồm tiền lương và chi phí chăm sóc sức khỏe, tăng mạnh khi dân số đang già hóa nhanh chóng.

Cũng trong dự báo mới nhất nói trên, được công bố sau cuộc họp của Hội đồng chính sách kinh tế và tài khóa Nhật Bản, lạm phát được dự đoán sẽ đạt mức mục tiêu 2% mà Ngân hàng Trung ương Nhật Bản đặt ra vào tài khóa 2023, chậm hơn một năm so với dự báo công bố hồi tháng Một./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục