Nhật Bản đang chuẩn bị một gói biện pháp kích thích kinh tế mới trong bối cảnh giá cả tăng cao trong khi đồng yen giảm mạnh.
Phát biểu với các phóng viên ngày 30/9, người phát ngôn Chính phủ Nhật Bản Hirokazu Matsuno cho biết Thủ tướng Fumio Kishida đã yêu cầu các bộ trưởng trong Nội các đến cuối tháng 10 tới phải hoàn tất soạn thảo một gói cứu trợ mới để Quốc hội có thể thông qua trong năm nay.
Dù không công bố giá trị gói cứu trợ sắp tới, nhưng người phát ngôn trên cho biết gói cứu trợ sẽ bao gồm các biện pháp nhằm ứng phó với tình trạng giá cả tăng cao và khuyến khích tăng lương.
[Đồng yen yếu không còn mang lại nhiều lợi thế cho doanh nghiệp Nhật]
Thủ tướng Kishida cũng yêu cầu các bộ trưởng tìm cách khôi phục và nâng cao năng lực kinh tế các địa phương để tận dụng lợi thế kinh doanh khi đồng yen giảm giá.
Trong những tuần qua, đồng yen có những lúc giảm xuống các mức thấp chưa từng thấy trong hơn 20 năm, khiến Chính phủ Nhật Bản đưa ra những biện pháp can thiệp.
Giá đồng nội tệ giảm đã giúp tăng lợi nhuận cho các nhà xuất khẩu, nhưng ngược lại, giá hàng hóa nhập khẩu cũng tăng, ảnh hưởng tới người tiêu dùng vốn đang phải đối mặt với "bão giá," trong đó có giá điện.
Trong 2 năm qua, Nhật Bản đã bơm hàng trăm tỷ USD cho nền kinh tế dưới hình thức các gói kích thích để hỗ trợ phục hồi sau đại dịch COVID-19.
Nhật Bản cũng là nước có tỷ lệ nợ công trên Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cao nhất thế giới.
Ngày 29/9, Thủ tướng Kishida cho biết chính phủ của ông sẽ thực hiện các biện pháp mạnh để giải quyết lạm phát và kiềm chế đà giảm giá đồng nội tệ trong bối cảnh giá năng lượng và thực phẩm tăng cao đang ảnh hưởng trực tiếp tới các hộ gia đình.
Ngày 30/9, tỷ giá đồng yen so với USD là 1 USD đổi 144,6 yen, so với mức 1 USD đổi 115 yen hồi tháng Ba.
Đồng yen giảm giá chủ yếu do Ngân hàng trung ương Nhật Bản vẫn duy trì chính sách tiền tệ siêu lỏng, trái ngược với ngân hàng trung ương ở các nước khác đang siết chặt chính sách tiền tệ để ngăn chặn lạm phát./.