Nằm đối diện với một tiệm mì ở khu ngoại ô Yokohama, quán trọ Lastel nhìn chẳng khác gì mọi nhà nghỉ khác ở thành phố cảng miền đông Nhật Bản. Nhưng Lastel không phải là một khách sạn cho các đôi tình nhân hay những khách lữ hành mệt mỏi. Tòa nhà màu xám trắng thực ra là một khách sạn cho các tử thi. Mười tám vị khách của khách sạn được nghỉ ngơi trong những quan tài đông lạnh.
“Chúng tôi nói trước rằng chúng tôi chỉ có phòng lạnh,” ông chủ Hisayoshi Teramura nói đùa với phóng viên Reuters khi được hỏi nhân viên trả lời ra sao nếu có khách còn sống muốn đến thuê phòng. Giá thuê phòng ở Lastel mỗi ngày là 12.000 yen (157 USD). Với số tiền đó, tang quyến có thể chăm sóc thi thể người thân yêu của mình trong khi chờ đợi họ được chôn cất ở nghĩa địa hiện đang quá tải của thành phố.
Chăm sóc cho người chết là một trong những nghề kinh doanh phát đạt hiếm hoi ở Nhật trong thời buổi suy thoái kinh tế hiện nay và khách sạn của Teramura là một ví dụ điển hình. Năm 2010, theo số liệu của chính phủ, 1,2 triệu người Nhật đã qua đời, khiến tỉ lệ tử ở nước này là 0,95%, so với mức trung bình 0,84% trên toàn cầu.
Tỉ lệ này đang ngày càng tăng. Năm ngoái, có thêm 55.000 người qua đời so với thập kỷ trước đó và trung bình mỗi năm số người qua đời ở Nhật tăng thêm 23.000. Số ca tử vong hàng năm dự kiến đạt đỉnh vào năm 2040 ở mức 1,66 triệu. Khi đó, dân số Nhật Bản sẽ giảm 20 triệu so với hiện nay.
Mặc dù hai thập kỷ mất mát đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, truyền thống ma chay long trọng vẫn khiến người Nhật bỏ ra trung bình 1,2 triệu yen (15.600 USD) cho hoa, quan tài, khăn liệm và các chi phí khác cho đám tang, tạo ra một thị trường trị giá 21 tỉ USD mỗi năm, gấp đôi tổng số tiền người Mỹ chi cho các đám ma hàng năm.
“Mọi người đang đổ xô vào thị trường này”, Temura nói. Ông đã thành lập công ty bất động sản chuyên về nghĩa trang Nichiryoky 45 năm trước và ngày càng mở rộng hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực này. Thậm chí hãng bán lẻ lớn thứ hai Nhật Bản, Aeon, các công ty đường sắt và hiệp hội nông dân lớn nhất nước, Hiệp hội nông nghiệp Nhật Bản, cũng đã nhảy vào ngành kinh doanh dịch vụ cho người chết.
Ông Teramura, 71 tuổi, đã quyết định mở rộng công chuyện làm ăn ra khỏi các nghĩa trang từ một thập kỷ trước và khách sạn Lastel mới được khai trương năm ngoái. Khách sạn cung cấp dịch vụ đông lạnh bảo quản xác chết và các dịnh vụ phúng điều cho người thân, gia đình, bạn bè của thân chủ.
Việc xây dựng những nghĩa trang mới ở Nhật hiện nay gần như là không thể bởi ở các khu đô thị, không ai muốn có những nấm mồ ở đằng sau nhà mình, Teramura giải thích. Tại Yokohama, thời gian chờ đợi trung bình để kiếm được một chỗ trong nghĩa trang là bốn ngày, dẫn đến nhu cầu cho những nơi chôn cất tạm thời như Lastel ngày một gia tăng.
“Nếu không họ phải giữ xác người chết ở nhà, một việc khá là bất tiện,” Teramura nói. Việc gia nhập ngành này dễ dàng cũng khiến cuộc cạnh tranh thêm khốc liệt, bao gồm nhiều nhân vật trước kia làm việc trong lĩnh vực tổ chức tiệc cưới, nay chuyển nghề do dù mới nghe thì đối nghịch, nhưng các dịch vụ cung cấp lại khá tương đồng.
Họ cũng không cần xin giấy phép hay các thủ tục chất lượng phiền hà. Tất cả những gì một giám đốc nhà đòn cần một văn phòng và một cái điện thoại. Hoa và quan tài rất dễ mua trong khi nơi làm lễ, xe tang và các nhà sư cầu siêu có thể thuê ở bất cứ đâu. Để so sánh, ở Mỹ một doanh nhân muốn làm việc trong lĩnh vực tổ chức đám ma phải học ít nhất ba năm, làm tập sự và phải xin giấy phép của chính quyền.
Trong một cuộc thăm dò mới đây với 2.796 công ty có kinh doanh trong lĩnh vực ma chay, Bộ kinh tế, thương mại và công nghiệp Nhật Bản (METI) phát hiện ra một phần ba số này mới vào nghề được 10 năm trở lại đây. “Nhiều người không muốn mặc cả trong một sự kiện đau lòng với gia đình nên để mặc cho các công ty, nên thay vì một cái quan tài 100.000 yen (1.300 USD), bạn có thể phải trả 1 triệu yen,” Teramura nói.
Thiếu sự quản lý và nguồn tiền mặt dồi dào cũng khiến ngành kinh doanh này nhanh chóng thu hút sự chú ý của yazuka, tức mafia Nhật Bản. Không tham gia trực tiếp, các tổ chức yazuka chủ yếu đóng vai trò môi giới, cò tang lễ, giới thiệu thân chủ cho những nhà đòn và nhận huê hồng, một thị trường không thể thống kê nhưng có thể lên tới hàng chục triệu USD.
METI cho biết năm 2005, có 4.107 công ty nhà đòn thuê 49.079 nhân công. Một thống kê khác từ Bộ nội chính và thông tin liên lạc cho biết có 6.606 công ty trong năm 2006 với số nhân công là 72.046 người. Yoshiatsu Mitsuhashi, chịu trách nhiệm tiến hành cuộc thăm dò của METI, nói con số trên thậm chí còn thấp hơn so với thực tế. Trong khi đó Viện nghiên cứu Yano tại Tokyo thông báo ngành kinh doanh tang lễ sẽ có giá trị ước tính 1,96 nghìn tỉ yen (25,5 tỉ USD) vào năm 2015.