Nhật Bản cắt giảm rác thải thực phẩm của doanh nghiệp chế biến đồ ăn

Nhật Bản đặt mục tiêu đến năm tài chính 2030 cắt giảm khoảng 20% lượng rác thải thực phẩm của các doanh nghiệp chế biến đồ ăn so với năm tài chính 2016.
Thực phẩm được thu lại. (Nguồn: japantimes)

Nhật Bản đặt mục tiêu đến năm tài chính 2030 cắt giảm khoảng 20% lượng rác thải thực phẩm của các doanh nghiệp chế biến đồ ăn so với năm tài chính 2016.

Đây là chính sách cơ bản được Hội đồng Môi trường trung ương thuộc Bộ Môi trường Nhật Bản đề xuất ngày 29/5.

Chính sách này nhằm cắt giảm lượng thức ăn thừa bị đổ bỏ tại các cửa hàng tiện ích, nhà hàng và các doanh nghiệp khác xuống còn 2,73 triệu tấn vào tài khóa 2030 - giảm 50% so với tài khóa 2000.

Trong tài khóa 2016, khoảng 3,52 triệu tấn thức ăn thừa loại này đã bị bỏ vào thùng rác.

Kế hoạch của Hội đồng Môi trường trung ương Nhật Bản dựa trên Luật Tái chế thực phẩm và hướng đến các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc, theo đó kêu gọi tới năm 2030 giảm 50% lượng rác thải thực phẩm bình quân đầu người trên toàn cầu ở cấp độ bán lẻ và tiêu dùng.

Dựa trên chính sách này, Chính phủ Nhật Bản sẽ sớm đề ra các mục tiêu cụ thể cho từng doanh nghiệp, từ các cơ sở bán thức ăn nhanh đến các quán rượu truyền thống kiểu Nhật và các nhà cung cấp hộp cơm trưa, đồng thời đẩy mạnh nỗ lực giám sát toàn bộ quá trình từ sản xuất thực phẩm đến bán lẻ.

[Nhật Bản cấm sử dụng đồ nhựa tại căngtin ở các cơ quan chính phủ]

Đối với chất thải thực phẩm từ các hộ gia đình, Chính phủ Nhật Bản hồi tháng 6/2018 đã đặt mục tiêu tới năm 2030 giảm 50% lượng thức ăn thừa bị vứt bỏ, từ mức 4,33 triệu tấn trong năm 2000.

Trong tài khóa 2015, lượng thức ăn thừa mà các gia đình ở Nhật Bản vứt đi là 2,89 triệu tấn.

Một thành viên Hội đồng Môi trường cho rằng điều cần thiết để đạt được mục tiêu này là sự hợp tác của người tiêu dùng.

Ông kêu gọi các thực khách tránh lãng phí thực phẩm mỗi khi ăn tại các nhà hàng, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện các chiến dịch nâng cao nhận thức tiêu dùng.

Hồi tuần trước, Quốc hội Nhật Bản đã ban hành luật nhằm thúc đẩy nỗ lực giảm rác thải thực phẩm, theo đó chính phủ sẽ hoạch định các biện pháp cụ thể, trong khi chính quyền các thành phố cũng phải có trách nhiệm đưa ra kế hoạch hành động của riêng mình.

Hiện các cửa hàng tiện ích lớn ở Nhật Bản như Seven-Eleven và Lawson Inc. đã thông báo kế hoạch giảm giá thành các sản phẩm cơm nắm và hộp cơm trưa sắp hết hạn sử dụng để góp phần giảm lượng thức ăn bị đổ bỏ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục