Ngày 29/8, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Hamada Yasukazu đã bày tỏ quan điểm sẽ thúc đẩy thảo luận nhằm tăng cường một cách cơ bản năng lực quốc phòng của nước này mà không loại trừ bất cứ lựa chọn nào, bao gồm cả khả năng sở hữu năng lực phản công.
Phát biểu trong một buổi họp báo, Bộ trưởng Hamada cho biết nhiều tên lửa đạn đạo đang được phát triển và bố trí trong khu vực.
Một khi những tên lửa này được phóng đi, trong thời gian cực ngắn sẽ tới Nhật Bản và nguy cơ xảy ra thiệt hại vô cùng lớn đối với sinh mệnh và tài sản của người dân.
Với nhận thức về vấn đề này, việc chuẩn bị đầy đủ các biện pháp bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân, cần thúc đẩy thảo luận một cách thực chất, không loại trừ bất cứ lựa chọn nào và không chỉ nâng cao năng lực phòng thủ tên lửa mà bao gồm cả năng lực phản công.
Việc thảo luận về tăng cường cơ bản năng lực quốc phòng sẽ được thực hiện thông qua quá trình sửa đổi các văn bản chiến lược quan trọng là Chiến lược an ninh quốc gia, Đại cương kế hoạch phòng vệ và Kế hoạch phòng vệ trung hạn.
[Bộ Quốc phòng Nhật Bản muốn triển khai tên lửa tầm xa và UAV]
Chiến lược an ninh quốc gia của Nhật Bản được xây dựng dưới thời cố thủ tướng Shinzo Abe năm 2013.
Tháng 11/2021, Thủ tướng Fumio Kishida đã chỉ đạo Bộ Quốc phòng thúc đẩy thảo luận sửa đổi các văn bản chiến lược về an ninh, quốc phòng trong năm 2022, trong đó xem xét đánh giá tất cả các lựa chọn, bao gồm cả đảm bảo năng lực tấn công căn cứ địch.
Ủy ban an ninh-quốc phòng của đảng Dân chủ Tự do cầm quyền (LDP) đã nhiều lần đề xuất chính phủ Nhật Bản về việc sở hữu năng lực tấn công căn cứ địch.
Trong đề xuất vào tháng 5/2022, LDP đã tiếp tục đưa ra đề xuất này và điều chỉnh cụm từ "năng lực tấn công căn cứ địch" thành "năng lực phản kích" và mục tiêu phản kích không chỉ dừng lại ở căn cứ phóng tên lửa mà gồm cả các cơ sở có chức năng chỉ huy./.