Ngày 30/4, Chính phủ Nhật Bản đã đề xuất với một ủy ban gồm các chuyên gia về mục tiêu cắt giảm 26% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính từ nay đến năm 2030 so với mức của tài khóa 2013, trong bối cảnh cộng đồng quốc tế đang hướng tới một thỏa thuận mới vào cuối năm nay nhằm đối phó với vấn đề biến đổi khí hậu.
Dưới sự chủ trì của Bộ Môi trường và Bộ Công nghiệp Nhật Bản, ủy ban trên đã nhóm họp và hầu như đã thông qua kế hoạch này.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sẽ ấn định mục tiêu này sớm nhất có thể và công bố tại Hội nghị thượng đỉnh nhóm 7 nước công nghiệp phát triển vào tháng Sáu tới ở Baravia, Đức.
Tuy nhiên, những người không đồng tình cho rằng mục tiêu này thấp hơn so với các nước công nghiệp lớn khác, đồng thời thúc giục Nhật Bản, nước giải phóng lượng khí gây hiệu ứng nhà kính lớn thứ 5 thế giới, nỗ lực hơn nữa để giải quyết vấn đề.
Dự kiến Chính phủ Nhật Bản sẽ trình lên Liên hợp quốc hai mục tiêu căn cứ vào các mốc khác nhau, trong đó mục tiêu giảm khí thải tính từ năm 2005 là 25,4%, và mức giảm so với năm 2013 là 26%.
Để đạt được mục tiêu đó, Nhật Bản sẽ phải giảm sự phụ thuộc vào các nhà máy nhiệt điện dùng than đá và thúc đẩy sử dụng các nguồn năng lượng tái sinh như năng lượng Mặt Trời và phong điện, tiến tới đảm bảo nguồn cung năng lượng sạch tăng tới 24% trên tổng sản lượng điện vào năm 2030.
Đây là mức tăng gấp đôi so với mức trung bình 11% trong một thập kỷ trước khi xảy ra sự cố điện hạt nhân năm 2011.
Bên cạnh đó, Tokyo cũng sẽ phụ thuộc vào điện hạt nhân, vốn không phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính và được cho là chiếm tới 20-22% trên tổng sản lượng điện năm 2030, trong khi phải khuyến khích sử dụng xe điện, tiết kiệm năng lượng.
Chính phủ Nhật Bản quyết định bổ sung tài khoá 2013 làm năm mốc giảm khí thải là do lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính tăng vào năm này, thời điểm các công ty điện lực sử dụng than đá làm nhiệt điện để thay thế năng lượng hạt nhân sau sự cố ở Fukushima.
Hiện Nhật Bản đặt mục tiêu cắt giảm khí thải 3,8% từ nay đến năm 2020 so với tài khoá 2005. Về dài hạn, Tokyo cam kết sẽ cắt giảm tới 80% so với thập niên 1990 từ nay đến năm 2050./.