Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, Chính phủ Nhật Bản đang cân nhắc đưa Hàn Quốc ra khỏi danh sách các quốc gia xây dựng được sự tin cậy và đảm bảo an ninh, còn gọi là White Countries.
Thông tin trên được đăng tải trên tờ Nikkei của Nhật Bản số ra ngày 5/7, một ngày sau khi Tokyo thực thi quyết định siết chặt xuất khẩu sang Hàn Quốc ba mặt hàng công nghệ cao.
Hiện danh sách White Countries có 27 quốc gia như Mỹ, Anh, Pháp...
Đối với những quốc gia nằm trong danh sách, Nhật Bản cho phép các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa ngoài danh mục quy định không cần phải kiểm tra, cấp phép riêng đối với từng hợp đồng, mà chỉ cần một giấy phép chung.
[Hàn-Nhật tổ chức thảo luận cấp chuyên gia về quan hệ song phương]
Nhật Bản đã đưa Hàn Quốc vào danh sách White Countries từ năm 2004. Nếu quyết định được đưa ra, Hàn Quốc sẽ trở thành quốc gia đầu tiên bị Nhật Bản loại khỏi danh sách. Báo trên cho biết việc cập nhật danh sách sẽ diễn ra vào cuối tháng Tám.
Việc đưa Hàn Quốc ra khỏi danh sách White Countries đồng nghĩa sẽ phát sinh thêm các thủ tục kiểm tra trước khi xuất khẩu đối với nhiều mặt hàng xuất khẩu từ Nhật Bản sang Hàn Quốc như hóa chất, dược phẩm, linh kiện điện tử, máy móc...
Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) sẽ đưa ra các yêu cầu kiểm tra dựa trên những phán đoán liên quan tới vấn đề như an ninh, dự kiến việc cấp phép sẽ mất tới 90 ngày. Ngoài sự kiểm soát từ METI, Bộ Tài chính Nhật Bản cũng thông báo sẽ kiểm tra về mặt thuế quan, dù đã được METI cấp phép.
Trước đó, trong bối cảnh tranh cãi ngày càng gia tăng giữa Tokyo và Seoul liên quan đến vấn đề lao động bị cưỡng bức thời chiến, Nhật Bản đã quyết định siết chặt quy định xuất khẩu sang Hàn Quốc ba vật liệu công nghệ cao dùng trong sản xuất chip điện tử và màn hình điện thoại thông minh - gồm nhựa nhiệt dẻo (fluorinated polyimide), chất cản màu (resist) và hydro clorua có độ tinh khiết cao (HF) được sử dụng làm khí ăn mòn trong sản xuất chất bán dẫn.
Nhật Bản khẳng định rằng việc hạn chế này là vì lý do an toàn. Quyết định có hiệu lực từ ngày 4/7 và được cho là sẽ ảnh hưởng đến các "gã khổng lồ" công nghệ Hàn Quốc như Samsung Electronics, SK Hynix và LG Display. Theo một kết quả khảo sát, Hàn Quốc nhập khẩu từ Nhật Bản 94% nhu cầu về các vật liệu trên.
Hiện không chỉ các doanh nghiệp của Hàn Quốc, mà cả Nhật Bản, đều đang phải tìm cách nhanh chóng ứng phó với các biện pháp kiểm soát xuất khẩu nói trên. Một số doanh nghiệp Nhật Bản bày tỏ lo ngại hành động của chính phủ có thể ảnh hưởng xấu tới tình hình kinh doanh.
STELL CHEMIFA - một tập đoàn sản xuất hóa chất công nghệ cao tập trung vào các hợp chất FLO đang xem xét chuyển hoạt động xuất khẩu sang nhà máy đặt tại Singapore.
Trong khi TOKYO OHKA KOGYO, một doanh nghiệp hóa chất khác, cho biết hồ sơ xin cấp phép xuất khẩu sẽ phức tạp hơn và doanh nghiệp phải đảm bảo không để xảy ra sai sót.
Các doanh nghiệp cũng lo ngại nguy cơ các biện pháp kiểm soát có thể lan rộng sang các lĩnh vực công nghiệp khác, không chỉ vật liệu bán dẫn.
Báo chí Hàn Quốc đã cảnh báo khả năng ngành sản xuất ôtô có thể "chịu chung số phận." Đây là ngành công nghiệp chủ lực của Hàn Quốc, bên cạnh thiết bị bán dẫn.
Các vật liệu mà Nhật Bản đang chiếm thị phần lớn, ảnh hưởng tới ngành công nghiệp ô tô của Hàn Quốc gồm màng cách nhiệt của Kyocera và chất điện phân của Mitsubishi chemical.
Nếu Nhật Bản đưa các vật liệu này vào diện kiểm soát xuất khẩu, sẽ ảnh hưởng xấu tới chiến lược phát triển xe hơi thân thiệt môi trường của Hàn Quốc và lĩnh vực sản xuất pin điện dành cho ôtô của các hãng LG và Samsung.
Dư luận Nhật Bản cho rằng trong ngắn hạn, nhiều khả năng các doanh nghiệp Hàn Quốc sẽ gặp khó khăn để tìm đối tác bên ngoài. Tuy nhiên, xét về dài hạn, việc Seoul đang phát động cả nguồn lực công-tư để tìm kiếm đối tác ngoài Nhật Bản và tăng cường sản xuất trong nước, phần nào sẽ giảm các tác động xấu từ biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Nhật Bản.
Trước đó, phản ứng về quyết định hạn chế xuất khẩu của Tokyo, Bộ trưởng Thương mại Hàn Quốc Yoo Myung-hee nhấn mạnh quyết định này đi ngược lại với các nỗ lực toàn cầu nhằm đạt một môi trường thương mại tự do, công bằng và có thể đoán trước, đúng như đề xuất tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Osaka, Nhật Bản tuần trước, và vi phạm các thỏa thuận toàn cầu, như Thỏa thuận Wassenaar, Thỏa thuận Thuế quan và thương mại chung (GATT)...
Bộ trưởng Yoo Myung-hee nêu rõ Chính phủ Hàn Quốc yêu cầu Nhật Bản rút lại các biện pháp này, đồng thời tiến hành các cuộc đàm phán song phương nhằm thảo luận vấn đề kiểm soát xuất khẩu nói chung.
Về phần mình, Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Hàn Quốc Hong Nam-ki coi đây là một biện pháp trả đũa kinh tế, đồng thời cảnh báo Seoul sẽ có các biện pháp đáp trả trực tiếp nếu Nhật Bản vẫn duy trì chính sách đó trong một khoảng thời gian dài.
Ông Hong Nam-ki cho biết Hàn Quốc sẽ quyết định thời điểm đệ đơn kiện về vấn đề trên lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) ngay sau khi có kết quả đánh giá nội bộ./.