Nhật Bản cần làm gì trong cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung?

Nhật Bản cần thúc đẩy xu hướng toàn cầu hóa ngay trong nội địa, xây dựng Nhật Bản vững mạnh để có thể khẳng định vị thế trước những tính toán trong cuộc cạnh tranh bá quyền thế giới Mỹ-Trung.
Nhật Bản cần làm gì trong cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung? ảnh 1Thủ tướng Shinzo Abe (giữa) tại mộ phiên họp Nội các Nhật Bản ở Tokyo, Nhật Bản. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo báo Nikkei của Nhật Bản, nước này cần phải thúc đẩy hơn nữa xu hướng toàn cầu hóa ngay trong nội địa, xây dựng Nhật Bản vững mạnh để có thể khẳng định vị thế trước những tính toán trong cuộc cạnh tranh bá quyền thế giới giữa Mỹ và Trung Quốc hiện nay.

Căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc đang ngày càng leo thang với các biện pháp trả đũa lẫn nhau giữa hai nước như đóng cửa các tổng lãnh sự quán, công bố các biện pháp trừng phạt đối với một số cá nhân nhất định.

Có lẽ quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc đang bước vào cục diện mới khó đoán với những tính toán trong cuộc cạnh tranh về vấn đề công nghệ, kỹ thuật cao và đảm bảo an ninh.

Bối cảnh dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 bùng phát mạnh khiến cho quy mô kinh tế ngày càng thu hẹp, thế giới đang có xu hướng chia thành "khu vực Mỹ" và "khu vực Trung Quốc."

Sau khi cơ bản kiểm soát được dịch COVID-19, kinh tế Trung Quốc đã phục hồi tương đối nhanh chóng, lĩnh vực xuất khẩu cũng chuyển sang giai đoạn tăng trưởng. Chính vì thế, tỷ trọng thương mại của các nước như Nhật Bản, châu Âu, thậm chí ngay cả Mỹ đối với Trung Quốc đang ngày càng tăng lên.

Trong hoàn cảnh đó, Nhật Bản liệu có thể duy trì được mối quan hệ kinh tế tốt đẹp với Trung Quốc, trong khi vẫn phụ thuộc vào Mỹ về vấn đề đảm bảo an ninh. Đối với Nhật Bản, bên cạnh những biện pháp đối phó độc lập, việc nỗ lực duy trì và tăng cường quan hệ hợp tác mang tính quốc tế với cả Mỹ và Trung Quốc, đồng thời làm sâu sắc hơn nữa quan hệ với các nước Đông Nam Á và châu Đại Dương - những quốc gia hiện đang chia sẻ những giá trị quan giống với Nhật Bản - là rất quan trọng.

[Kinh tế Nhật Bản đối diện nguy cơ rơi vào suy thoái kép vì COVID-19]

Để cả Mỹ và Trung Quốc thừa nhận vai trò quan trọng của nền kinh tế Nhật Bản, nước này cần tạo ra một “Nhật Bản mạnh mẽ.”

Nếu Nhật Bản có thể nâng cao tỷ lệ hàng hóa và dịch vụ mà chỉ Nhật Bản có thể cung cấp, Mỹ và Trung Quốc sẽ không có lựa chọn nào khác là tập trung sự chú ý đối với vai trò của Nhật Bản trong cuộc cạnh tranh bá quyền.

Đối với Nhật Bản hiện nay, việc nâng cao trình độ công nghệ và khả năng cạnh tranh quốc tế cũng rất quan trọng. Để đạt được mục tiêu này, điều quan trọng không chỉ là sự nỗ lực của chính người dân Nhật Bản mà còn phụ thuộc vào nguồn nhân lực tay nghề cao từ nước ngoài sẽ đến và làm việc tại Nhật Bản.

Điều này có nghĩa là Nhật Bản cần đẩy mạnh hơn nữa xu hướng "toàn cầu hóa ngay trong chính Nhật Bản."

Trong chiến lược tăng trưởng năm 2020, Chính phủ Nhật Bản đã đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ trở thành quốc gia đứng đầu Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) về môi trường kinh doanh và có lẽ mục tiêu này là hoàn toàn khả thi và sớm được hiện thực hóa nếu nước này triển khai được các chính sách phù hợp.

Các nhà phân tích dự báo kinh tế Nhật Bản sẽ sụt giảm mạnh hơn dự kiến và sẽ trải qua đợt giảm phát nhẹ trong tài khóa 2020-2021, cho thấy tính chất “mong manh” của sự hồi phục sau dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Theo kết quả thăm dò ý kiến của 32 nhà kinh tế do hãng tin Reuters (Anh) thực hiện, kinh tế Nhật Bản dự kiến giảm 5,6% trong tài khóa 2020-2021 (kết thúc vào cuối tháng 3/2021), sâu hơn mức dự báo giảm 5,3% được đưa ra hồi tháng 7/2020.

Trong tình huống xấu nhất, kinh tế Nhật Bản có thể giảm 8% trong tài khóa hiện nay. Ngoài ra, giới phân tích cũng cho rằng căng thẳng gia tăng trong quan hệ Mỹ-Trung Quốc là mối quan ngại khác đối với nền kinh tế Nhật Bản, vốn phụ thuộc nhiều vào lĩnh vực xuất khẩu.

Trong thông tin mới công bố của Bộ Tài chính Nhật Bản, xuất khẩu tháng Bảy của nước này tiếp tục đà giảm ở mức hai con số trong tháng thứ năm liên tiếp. Theo đó, trong tháng Bảy, kim ngạch xuất khẩu của Nhật Bản đạt 5.368,9 tỷ yen (khoảng 50,9 tỷ USD), giảm 19,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Mặc dù kim ngạch xuất khẩu tiếp tục đà giảm song quy mô đã được thu hẹp trong tháng thứ hai liên tiếp. Yếu tố ảnh hưởng đến xuất khẩu của nước này chủ yếu là nhu cầu hàng hóa từ các nước sụt giảm do ảnh hưởng của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó, có mặt hàng ôtô xuất khẩu sang thị trường Mỹ.

Kim ngạch nhập khẩu của Nhật Bản trong tháng Bảy đạt 5.357,2 tỷ yen, giảm 22,3% so với cùng kỳ năm ngoái và ghi nhận đà giảm tháng thứ 15 liên tiếp. Nhập khẩu dầu thô từ Trung Đông và các nước khác đều giảm.

Cán cân thương mại của Nhật Bản trong tháng Bảy cũng lần đầu tiên đạt thặng dư trong vòng bốn tháng với 11,6 tỷ yen.

Trong một thông tin khác, kết quả khảo sát doanh nghiệp của Reuters Tankan công bố ngày 18/8 cho thấy các nhà sản xuất Nhật Bản tỏ ra bớt bi quan trong tháng Tám, song vẫn đánh đi tín hiệu về sự phục hồi tăng trưởng chậm do đại dịch COVID-19.

Cuộc khảo sát trên cho thấy chỉ số niềm tin của các nhà sản xuất trong tháng Tám đã tăng từ mức -44 điểm lên -33 điểm, mức cao nhất kể từ tháng Hai. Ngành dịch vụ ghi nhận mức tăng cao khi tăng từ -26 điểm lên -23 điểm.

Cuộc khảo sát nêu ra những nhiệm vụ to lớn mà các nhà hoạch định chính sách phải đối mặt để đưa nền kinh tế Xứ hoa Anh đào thoát khỏi tình trạng suy thoái chưa từng có sau khi đại dịch tác động xấu đến hoạt động của doanh nghiệp và hộ gia đình.

Nền kinh tế lớn thứ hai châu Á bị ảnh hưởng nặng nề khi Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý 2/2020 của Nhật Bản ghi nhận sự sụt giảm mạnh nhất trong hơn hơn 40 năm qua khi giảm tới 27,8% so với cùng kỳ năm trước, giữa lúc đại dịch hoành hành đã giáng đòn mạnh vào tiêu dùng và xuất khẩu./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục