Nhật Bản cần đầu tư ít nhất 1.000 tỷ yen để vực dậy ngành bán dẫn

Nhật Bản dễ bị ảnh hưởng bởi tình trạng hiếu hụt chip bán dẫn, vì sau hàng chục năm thiếu sự đầu tư, các nhà sản xuất của nước này phải nhập khẩu khoảng 2/3 lượng chip cần dùng.
Nhật Bản cần đầu tư ít nhất 1.000 tỷ yen để vực dậy ngành bán dẫn ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Bloomberg)

Một chuyên gia hàng đầu trong ngành bán dẫn của Nhật Bản nhận định rằng nước này phải đầu tư ít nhất 1.000 tỷ yen (9 tỷ USD) vào việc phát triển chip trong tài khóa này và hàng nghìn tỷ yen nữa sau đó, nếu muốn vực dậy ngành bán dẫn.

Theo ông Tetsuro Higashi, Chủ tịch danh dự của công ty điện tử Tokyo Electron Ltd. và là người đứng đầu một ban chuyên gia cố vấn cho Chính phủ Nhật Bản, bất cứ khoản đầu tư nào ít hơn con số nói trên sẽ là không đủ.

Ông khẳng định việc vực dậy ngành bán dẫn không hề dễ dàng, và nếu Nhật Bản bỏ lỡ cơ hội lần này, có thể sẽ không còn cơ hội nào nữa.

Tình trạng thiếu hụt chip đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất mọi thứ từ tủ lạnh đến bảng điều khiển trò chơi điện tử và ôtô trong năm nay.

Nhật Bản dễ bị ảnh hưởng bởi tình trạng trên, vì sau hàng chục năm thiếu sự đầu tư, các nhà sản xuất của nước này phải nhập khẩu khoảng 2/3 lượng chip cần dùng.

[Các hãng ôtô Nhật Bản dự kiến lợi nhuận giảm do thiếu hụt chip]

Chính phủ nhiều nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, và Mỹ đang đầu tư mạnh tay để gia tăng nguồn cung trong nước. Đáp lại kế hoạch đưa ngành bán dẫn vào trung tâm chính sách phát triển của Trung Quốc, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã vạch ra kế hoạch trị giá 52 tỷ USD để thúc đẩy hoạt động sản xuất chip trong nước.

Các doanh nghiệp Hàn Quốc như Samsung Electronics Co. và SK Hynix Inc. đang cam kết đầu tư 450 tỷ USD trong 10 năm cho việc nghiên cứu và phát triển chip, trong khi chỉ riêng công ty hàng đầu trong ngành là Taiwan Semiconductor Manufacturing Co. (TSMC) của Đài Loan (Trung Quốc) đã dành đến 100 tỷ USD trong ba năm tới.

Trong một báo cáo tháng này, Bộ Thương mại Nhật Bản cho biết sẽ xem việc thúc đẩy sự phát triển của ngành bán dẫn là một kế hoạch quốc gia quan trọng như nhiệm vụ đảm bảo an ninh lương thực và năng lượng.

Một phần trong kế hoạch này bao gồm việc thành lập các cơ sở sản xuất trong nước, trong đó có các công ty liên doanh với các nhà sản xuất chip nước ngoài.

Ông Higashi cho biết TSMC là một trong những công ty mà Nhật Bản muốn hợp tác.

Công ty của Đài Loan này hiện chưa cho biết có kế hoạch xây dựng một nhà máy ở Nhật Bản hay không, dù Ban Giám đốc TSMC trong năm nay đã đồng ý thành lập một công ty con gần Tokyo để mở rộng việc nghiên cứu nguyên vật liệu với nguồn vốn đầu tư từ Chính phủ Nhật Bản.

Ông Higashi cho rằng để thu hút các nhà sản xuất nước ngoài, Nhật Bản cần có các chính sách trợ cấp, miễn giảm thuế và tạo điều kiện dể chia sẻ công nghệ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục