Theo báo Nhật Bản Sankei, tiếp theo ngày 2/10, các tàu Hải giám Trung Quốc ngày 3/10 lại xâm phạm lãnh hải Nhật Bản gần quần đảo Senkaku. Sau khi Nhật Bản quốc hữu hóa quần đảo này, đây là lần thứ 5 tàu Trung Quốc xâm phạm lãnh hải Nhật Bản.
Và theo tờ báo, đã đến lúc chính quyền Noda không chỉ lặp đi lặp lại biện pháp phản đối qua đường ngoại giao, mà cần quyết tâm thảo luận các con bài đối kháng có tính hiệu quả đối với Trung Quốc, như các biện pháp kinh tế.
Trong khi đó, Cục Hải dương Quốc gia Trung Quốc đã lên án hoạt động của tàu tuần tra Nhật Bản. Ngoại trưởng Dương Khiết Trì phát biểu tại Liên hợp quốc rằng “Nhật Bản đã đánh cắp quần đảo Điếu Ngư (Senkaku),” các ngôn từ, hành động chỉ trích Nhật Bản càng trở nên gay gắt.
Tàu Ngư chính Trung Quốc liên tiếp vào vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Nhật Bản. Hành động này vi phạm pháp luật một cách cơ bản, không thể dung thứ. Trung Quốc ngày càng lộ rõ ý đồ liên tục tiến hành các hành động phi pháp nhằm tạo sự đã rồi để chiếm quần đảo Senkaku.
[Nhật lo ngại tàu hải giám Trung Quốc quá hung hãn]
Ngoài ra, Cục Hải quan Bắc Kinh còn tịch thu báo của Nhật Bản. Đây có thể nói là hành vi của Đảng Cộng sản Trung Quốc phong tỏa tự do ngôn luận và khó có thể chấp nhận được.
Đáp lại hành vi xâm phạm lãnh hải này, Cục trưởng Cục châu Á-châu Đại Dương Bộ Ngoại giao Nhật Bản Sugiyama đã điện đàm và kháng nghị với Công sứ Đại sứ quán Trung Quốc tại Nhật Bản Hàn Chí Cường. Tuy nhiên, vấn đề ở chỗ nếu chỉ đối phó bằng biện pháp này thì cũng không hiệu quả.
Để Thủ tướng Noda xây dựng được những biện pháp đối kháng có hiệu quả hơn, cần huy động trí tuệ của các bộ ngành, tổ chức và cá nhân để tìm ra những con bài hiệu quả.
Ví dụ, Nhật Bản đã thông qua quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) tạm thời cấm nhập 3 sản phẩm rau quả của Trung Quốc năm 2001 do phát sinh vấn đề Trung Quốc bán phá giá rau quả. Lần này cũng cần tính đến biện pháp tăng cường kiểm dịch rau quả Trung Quốc, được cho là có quá nhiều dư lượng thuốc trừ sâu, hoặc tăng cường thủ tục kiểm tra hải quan nghiêm ngặt hàng hóa Trung Quốc.
Ngoài ra, khoản viện trợ ODA 4,25 tỷ yên (khoảng 55 triệu USD) đã đưa vào dự toán ngân sách tài khóa này hoàn toàn không được người dân Nhật Bản ủng hộ, cần phải phong tỏa ngay lập tức. Nhật Bản cũng có thể thảo luận vấn đề hạn chế giao dịch trực tiếp giữa đồng yên và Nhân dân tệ mới được bắt đầu năm nay.
[Trung-Nhật: Cuộc chiến dư luận quần đảo tranh chấp]
Có thể nói rằng các doanh nghiệp Nhật Bản cần xem xét lại việc đầu tư vào Trung Quốc sau khi những rủi ro được thấy rõ qua các cuộc biểu tình bạo lực chống Nhật. JCG và Lực lượng Phòng vệ cần phải tăng cường phối hợp trong cảnh giới bảo vệ lãnh thổ.
Tăng cường tàu tuần tra, tăng số nhân viên JCG, đưa vào sử dụng xe lội nước của lực lượng phòng vệ mặt đất… là những nhiệm vụ cấp bách để bảo vệ biển đảo. Cần phải thay đổi phương châm chỉ quốc hữu hóa mà không làm gì và thảo luận việc xây dựng cơ sở phục vụ trực tiếp cho nghề cá trên quần đảo Senkaku./.