Nhật Bản đã cảnh báo các đối tác thuộc Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) rằng bảo hộ thương mại và các biện pháp trả đũa lẫn nhau sẽ gây tác động tiêu cực tới các thị trường tài chính, cũng như làm gia tăng những bất ổn trên thị trường.
Phát biểu trước báo giới sau Hội nghị bộ trưởng tài chính G20 diễn ra trong ngày 19/4 tại Washington, Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Taro Aso nói: "Tôi đã nói với các đối tác trong G20 rằng sẽ chẳng có nước nào có lợi từ các chính sách riêng dựa vào bảo hộ thương mại."
Trước đó, trong diễn văn đọc tại Hội nghị bộ trưởng tài chính và các thống đốc ngân hàng G20, ông Aso nhấn mạnh sự cần thiết giải quyết tình trạng mất cân bằng thương mại toàn cầu trong khuôn khổ đa phương chứ không phải song phương.
["Bảo hộ thương mại không mang lại sự thịnh vượng cho kinh tế Mỹ"]
Theo ông Aso, các thị trường tiền tệ hiện nay vẫn dễ bị tác động bởi những cú sốc bất ngờ, có thể gây bất ổn cho các nguồn vốn tại những thị trường mới nổi, khi các ngân hàng trung ương của các nền kinh tế phát triển bắt đầu trở lại chương trình kích thích kinh tế theo mô hình khủng hoảng.
Những nỗi lo về cuộc chiến thương mại toàn cầu có thể xảy ra được xem là vấn đề đang chi phối các cuộc thảo luận tại hội nghị G20 tại Mỹ, với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo rằng chủ nghĩa bảo hộ có thể tác động đến tốc độ tăng trưởng toàn cầu.
Những bình luận của ông Aso được đưa ra sau cuộc gặp đầu tuần này giữa Thủ tướng Shinzo Abe và Tổng thống Mỹ Donald Trump, vốn bộc lộ những bất đồng giữa 2 nước đồng minh về việc tạo ra khuôn khổ cho các cuộc đàm phán thương mại.
Mặc dù 2 nhà lãnh đạo Nhật Bản-Mỹ đã nhất trí tăng cường các cuộc tham vấn thương mại nhằm mở rộng đầu tư và thương mại song phương, nhưng cho đến nay Tổng thống Donald Trump vẫn tái khẳng định mong muốn giải quyết tình trạng mất cân bằng thương mại với Nhật Bản thông qua thỏa thuận thương mại song phương, trong khi ông Abe cho rằng Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) luôn là ưu tiên của chính phủ nước này và kêu gọi Mỹ tái gia nhập TPP (nay đã được đổi tên là Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương - CPTPP)
Theo kế hoạch, ông Aso và người đồng cấp Mỹ Steve Mnuchin sẽ gặp nhau trong ngày 20/4 bên lề hội nghị G20 và IMF./.