Nhật Bản ban hành hệ thống thị thực mới cho lao động nước ngoài

Lao động các nước được cho là sẽ nhập cảnh thông qua hệ thống thị thực mới chủ yếu đến từ chín nước châu Á có thể làm việc trong 14 lĩnh vực, trong đó có xây dựng, nông nghiệp và điều dưỡng...
Các điều dưỡng viên, hộ lý trước khi sang làm việc tại Nhật Bản được đào tạo trong nước theo các quy định tại Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam-Nhật Bản (VJEPA). (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)

Ngày 25/12, Chính phủ Nhật Bản đã thông qua một loạt biện pháp tạo điều kiện thuận lợi và đảm bảo đời sống cho lao động nước ngoài.

Bất chấp các ý kiến chỉ trích cho rằng chính phủ đang hành động quá nhanh và chưa chuẩn bị kỹ lưỡng để tiếp nhận một lượng lớn lao động nước ngoài, Nhật Bản vẫn lên kế hoạch nới lỏng các quy định, tạo điều kiện thuận lợi cho lao động nước ngoài làm việc tại nước này từ tháng 4/2019 nhằm tháo gỡ tình trạng thiếu hụt lao động trầm trọng.

Lao động các nước được cho là sẽ nhập cảnh thông qua hệ thống thị thực mới chủ yếu đến từ chín nước châu Á gồm Campuchia, Indonesia, Mông Cổ, Myanmar, Nepal, Thái Lan, Trung Quốc, Philippines và Việt Nam. Lao động các nước này có thể làm việc trong 14 lĩnh vực, trong đó có xây dựng, kinh doanh nhà hàng, nông nghiệp và điều dưỡng.

[Nhật Bản trợ cấp cho lao động nước ngoài trong lĩnh vực hộ lý]

Theo hệ thống thị thực mới, lao động nước ngoài, từ 18 tuổi trở lên, sẽ được tiếp nhận theo hai loại thị thực. Loại đầu tiên đòi hỏi người lao động có trình độ học vấn và kinh nghiệm nhất định, trong khi loại thứ hai dành cho nhóm có kỹ năng làm việc cao hơn.

Để có được thị thực loại 1, có giá trị lên tới 5 năm, người lao động phải có khả năng giao tiếp cơ bản bằng tiếng Nhật thông qua các bài kiểm tra tiếng Nhật. Những người đã trải qua chương trình tu nghiệp sinh kỹ thuật kéo dài hơn 3 năm có thể đăng ký xin thị thực loại này mà không cần phải thực hiện các bài kiểm tra. Tuy nhiên, những người lao động trong nhóm này sẽ không được phép đưa gia đình tới Nhật Bản.

Trong khi đó, loại 2 có khung yêu cầu cao hơn. Theo đó, người lao động phải vượt qua bài kiểm tra kỹ năng cấp độ cao và được phép đưa gia đình đi cùng, số lần gia hạn thị thực cũng không bị hạn chế, từ đó mở ra cơ hội định cư tại Nhật Bản.

Công nhân làm việc tại một công trường xây dựng ở thủ đô Tokyo, Nhật Bản. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo chính sách cơ bản về hệ thống thị thực mới vừa được chính quyền của Thủ tướng Shinzo Abe thông qua, Tokyo sẽ cung cấp các điều kiện làm việc "thích hợp" cho lao động nước ngoài về lương bổng, giờ làm và an toàn lao động. Bên cạnh đó, Chính phủ Nhật Bản cũng sẽ làm việc với các nước liên quan chấm dứt tình trạng môi giới trái phép nhằm trục lợi từ các lao động.

Nhật Bản ước tính sẽ có tới 345.150 lao động nước ngoài nộp đơn xin cư trú trong 5 năm đầu tiên. Do đó, nước này sẽ áp dụng các biện pháp tránh để lao động nước ngoài tập trung quá nhiều ở các thành phố lớn - nơi mức lương cao hơn so với các thành phố địa phương.

Cũng theo Chính phủ Nhật Bản, nước này đã ước tính số lao động nước ngoài cụ thể đối với từng ngành, nghề trong 14 lĩnh vực thiếu nhân công trong 5 năm tới như tuyển dụng 60.000 điều dưỡng và 53.000 người làm việc trong lĩnh vực kinh doanh nhà hàng. Các con số này sẽ là mức trần và sẽ không thay đổi nếu không có sự biến động lớn về tình hình kinh tế.

Bên cạnh đó, Nhật Bản cũng đưa ra gói chính sách gồm 126 điểm nhằm hỗ trợ cuộc sống thường nhật của lao động nước ngoài, dành 22,4 tỷ yen (khoảng 201 triệu USD) để hỗ trợ các lao động nước ngoài trong tài khóa này và tài khóa 2019 (bắt đầu vào tháng Tư tới).

Chính phủ Nhật Bản còn có kế hoạch thiết lập 100 trung tâm dịch vụ tư vấn bằng 11 thứ tiếng, trong đó có tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Việt, trên khắp Nhật Bản, cung cấp thông tin và tư vấn một loạt lĩnh vực trong đó có hệ thống thị thực, việc làm, dịch vụ y tế, chăm sóc con cái và giáo dục. Nhằm hỗ trợ tối đa người lao động nước ngoài, Nhật Bản cũng sẽ sử dụng nhiều ngôn ngữ tại các bệnh viện, cơ sở công cộng, cũng như trong việc đưa ra khuyến cáo khẩn cấp về thảm họa tự nhiên.

Ngoài ra, lao động nước ngoài cũng được khuyến khích tham gia các chương trình bảo hiểm y tế công của Nhật Bản. Cụ thể, họ sẽ được chi trả một phần chi phí khám chữa bệnh. Tuy nhiên, chính phủ cho biết sẽ thực hiện một số biện pháp nhằm đề phòng việc lợi dụng các chương trình này.

Thông qua hệ thống thị thực mới, Nhật Bản lần đầu tiên mở cửa cho phép người lao động nước ngoài phổ thông vào làm việc tại nước này. Trước đây trong quá khứ, Nhật Bản chỉ cấp thị thực làm việc cho những người có trình độ chuyên môn và kỹ năng cao như bác sỹ, luật sư, giáo viên. Người lao động sẽ được phép thay đổi công việc nếu các điều kiện cơ bản không được đáp ứng.

Tính tới tháng 10/2017, số lao động nước ngoài làm việc tại Nhật Bản lên mức kỷ lục mới 1,28 triệu người./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục