Nhật Bản ấn định thời điểm tổ chức bầu cử Thượng viện

Ngày 26/6, Nội các của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã thông qua kế hoạch tổ chức bầu cử Thượng viện vào ngày 21/7 tới. Chiến dịch tranh cử sẽ kéo dài 2 tuần.
Toàn cảnh một cuộc họp Thượng viện Nhật Bản ở Tokyo. (Ảnh: AFP/ TTXVN)

Ngày 26/6, Nội các của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã thông qua kế hoạch tổ chức bầu cử Thượng viện vào ngày 21/7 tới. Chiến dịch tranh cử sẽ kéo dài 2 tuần.

Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, Thượng viện Nhật Bản hiện nay gồm 242 thành viên, trong đó 50% nghị sỹ sẽ hết nhiệm kỳ vào ngày 28/7.

Cuộc bầu cử sắp tới được tổ chức để bầu 121 nghị sỹ thay thế các nghị sỹ hết nhiệm kỳ, trong đó 73 nghị sỹ sẽ được lựa chọn từ 47 khu vực bầu cử theo phương thức phổ thông đầu phiếu và 48 nghị sỹ sẽ được bầu theo phương thức đại diện tỷ lệ.

Một trong những chủ đề "nóng" trong các cuộc tranh luận tại cuộc bầu cử Thượng viện sắp tới có thể sẽ là kế hoạch tăng thuế tiêu dùng của Thủ tướng Abe.

Theo kế hoạch, ngày 1/10 tới, Chính phủ Nhật Bản sẽ tăng thuế tiêu dùng từ mức 8% hiện nay lên 10%, với mục đích tăng thu cho ngân sách, qua đó cải thiện cán cân thu-chi và giảm tỷ lệ nợ công/GDP của nước này hiện ở mức cao nhất trong số các nền kinh tế phát triển.

[Thượng viện Nhật Bản bác kiến nghị khiển trách Thủ tướng Abe]

Tuy nhiên, các số liệu kinh tế mới nhất cho thấy đà tăng trưởng của nền kinh tế Nhật Bản vẫn rất bấp bênh do tác động tiêu cực từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung và sự tăng giá của đồng yên trong thời gian gần đây.

Một số nhà phân tích cho rằng Thủ tướng Abe có thể sẽ phải hoãn kế hoạch tăng thuế sau hai lần lỡ thời hạn trước đó.

Trước thềm cuộc bầu cử Thượng viện, phe đối lập đã không ngừng công kích chính quyền của Thủ tướng Abe.

Hôm 21/6, các đảng đối lập đã đệ trình lên Thượng viện bản kiến nghị khiển trách Thủ tướng Abe, với lý do Bộ trưởng Tài chính trong chính quyền của ông đã từ chối thông qua báo cáo của một nhóm chuyên gia về vấn đề lương hưu, trong đó khẳng định lương hưu ở Nhật Bản hiện nay không đủ đối với phần lớn người về hưu.

Bốn ngày sau đó, hôm 25/6, phe đối lập tiếp tục đệ trình Hạ viện bản kiến nghị bất tín nhiệm đối với nội các của Thủ tướng Abe, cho rằng nội các đã hành động “một cách vô trách nhiệm và không trung thực trong các vấn đề ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống của người dân” như vấn đề lương hưu và tăng thuế tiêu dùng. Tuy nhiên, các bản kiến nghị này đều bị các cơ quan lập pháp bác bỏ.

Hiện nay, liên minh cầm quyền do Đảng Dân chủ Tự do (LDP) của Thủ tướng Abe đang giữ hơn 2/3 số ghế ở Hạ viện nhưng chưa có đủ 2/3 số ghế ở Thượng viện để đảm bảo thông qua các quyết định quan trọng tại Quốc hội.

LDP hy vọng liên minh cầm quyền sẽ giành tối thiểu 2/3 số ghế tại Thượng viện trong cuộc bầu cử sắp tới để có thể thông qua các quyết định quan trọng, trong đó có việc sửa đổi Hiến pháp để Thủ tướng Abe có thể tại vị sau khi nhiệm kỳ hiện nay kết thúc.

Có nhiều dự đoán rằng Thủ tướng Abe cũng sẽ kêu gọi một cuộc bầu cử Hạ viện trước thời hạn, song nhà lãnh đạo Nhật Bản cho biết ông sẽ không cân nhắc một động thái như vậy.

Giới quan sát nhận định Thủ tướng Abe dường như hy vọng việc tổ chức thành công hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Osaka vào ngày 28-29/6 tới sẽ đem lại kết quả tốt hơn cho liên minh cầm quyền./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục