Theo Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu tháng Một ước đạt 10,3 tỷ USD, trong khi nhập khẩu ước đạt 10,4 tỷ USD. Như vậy, trong tháng Một, cả nước nhập siêu khoảng 100 triệu USD.
Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, trong tháng Một, kim ngạch xuất khẩu của khu vực 100% vốn trong nước ước đạt 3,52 tỷ USD, giảm 13,8% so với cùng kỳ. Tương tự, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) cũng chỉ đạt 6,78 tỷ USD, giảm 9,2% so với cùng kỳ.
Đáng chú ý, nhóm nông sản, thủy sản mở màn đầu năm ước đạt 1,51 tỷ USD, giảm tới 15,8% so với tháng 12/2013 và giảm 21,3% so với cùng kỳ năm 2013. Trong đó, lượng xuất khẩu giảm là nguyên nhân chính kéo kim ngạch xuất khẩu của nhóm giảm mạnh so với cùng kỳ.
Một số mặt hàng trong nhóm này giảm mạnh là cà phê giảm 39,7% về lượng và 45,7% về trị giá; sắn và sản phẩm giảm 45,5% về lượng và 39,4% về trị giá; gạo giảm 21,3% về lượng và 18,9% về trị giá.
Cũng theo Bộ Công Thương, nhóm hàng nhiên liệu, khoáng sản trong tháng Một ước đạt 657 triệu USD, giảm 23,5% so với tháng 12/2013 và giảm 32% so với cùng kỳ tháng 1/2013.
Đối với nhóm hàng công nghiệp chế biến, trong tháng Một, kim ngạch xuất cũng giảm 10,3% so với tháng 12/2013 và giảm 7,7% so với cùng kỳ năm 2013. Kim ngạch xuất khẩu trong tháng Một của nhóm này ước đạt 7,25 tỷ USD.
Về nhập khẩu, tháng Một cả nước nhập khoảng 10,4 tỷ USD, giảm 14,6% so với tháng 12 năm 2013 và giảm 1,9% so với cùng kỳ. Trong đó, khu vực 100% vốn trong nước ước khoảng 4,6 tỷ USD, giảm 2,3%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài 5,8 tỷ USD, giảm 1,5%.
Trong đóm nhóm hàng cần nhập khẩu ước khoảng 8,94 tỷ USD, giảm 16,1% so với tháng 12 năm 2013, giảm 4,1% so với cùng kỳ năm 2013.
Những mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu tăng so với cùng kỳ tháng 1/2013 là thủy sản tăng 90,9%, ngô tăng 255%, xăng dầu tăng 15,3%, gỗ và sản phẩm gỗ tăng 34,3%, máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng tăng 16,1%... Ngoài ra, máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng ước đạt 1,65 tỷ USD, tăng 16,1% so với cùng kỳ; xăng dầu ước đạt 555 triệu USD, tăng 15,3%.
Nhóm hàng cần kiểm soát nhập khẩu trong tháng Một ước khoảng 286 triệu USD, giảm 30,9% so với tháng 12/2013, giảm 11% so với cùng kỳ. Còn nhóm hàng cần hạn chế nhập khẩu ước đạt 700 triệu USD, giảm 5,8% so với tháng 12/2013, nhưng lại tăng 12,6% so với cùng kỳ.
Đánh giá chung về tình hình xuất nhập khẩu tháng Một, lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết, kim ngạch xuất khẩu tháng Một giảm so với cùng kỳ năm 2013 là do kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài nên lượng xuất khẩu trong tháng này giảm mạnh. Hơn nữa, kim ngạch xuất khẩu cũng giảm do các thị trường xuất khẩu của Việt Nam đón Tết Dương lịch, giảm các đơn hàng nhập khẩu.
Tuy nhiên, theo Bộ Công Thương, khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục đóng góp vào việc cải thiện cán cân thương mại (trong tháng Một, khối này xuất siêu 980 triệu USD trong khi khối doanh nghiệp trong nước nhập siêu 1,08 tỷ USD).
Để đạt được kim ngạch xuất khẩu 140 tỷ USD trong năm 2014, tăng 10% so với năm trước, Bộ Công Thương đã đề ra một loạt các giải pháp, trong đó tập trung vào việc nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và nâng sức cạnh tranh của sản phẩm và giảm phụ thuộc nhập khẩu. Đặc biệt là tập trung xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ tiêu thụ nông sản, thủy sản có lượng hàng hóa lớn như gạo, thủy sản, cà phê… và nghiên cứu xây dựng chính sách tạm trữ để ổn định giá, chủ động nguồn hàng cho xuất khẩu.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, hướng dẫn doanh nghiệp cách tiếp cận các thị trường mới và tận dụng triệt để ưu đãi thông qua các Hiệp định thương mại tự do (FTA) để đẩy mạnh xuất khẩu và nâng cao giá trị xuất khẩu./.