Nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu tăng mạnh, đạt hơn 1,5 tỷ USD

Ước giá trị nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu trong tháng Năm ước đạt 344 triệu USD, đưa tổng giá trị nhập khẩu mặt hàng này 5 tháng đầu năm nay lên 1,53 tỷ USD, tăng 27,5% so với cùng kỳ 2016.
Nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu tăng mạnh, đạt hơn 1,5 tỷ USD ảnh 1Nhu cầu sử dụng thức ăn chăn nuôi của người nuôi vẫn đang rất lớn. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, ước giá trị nhập khẩu nhóm mặt hàng thức ăn gia súc và nguyên liệu trong tháng Năm đạt 344 triệu USD, đưa tổng giá trị nhập khẩu mặt hàng này 5 tháng đầu năm nay lên 1,53 tỷ USD, tăng 27,5% so với cùng kỳ năm 2016.

Đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng cho biết, đây là mặt hàng chiếm thị phần lớn nhất trong tổng giá trị nhập khẩu của toàn ngành nông nghiệp trong năm tháng đầu năm nay. Các mặt hàng nhập khẩu khác như phân bón, thuốc trừ sâu, lúa mì, thủy sản, rau quả, ngô… đều có giá trị nhập khẩu dao động dưới mức 1 tỷ USD, song riêng nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu chiếm hơn 1,5 tỷ USD.

[Gia hạn nợ cho khách hàng vay vốn đầu tư chăn nuôi lợn]

Đáng chú ý, thị trường nhập khẩu chính của nhóm mặt hàng thức ăn gia súc và nguyên liệu trong 4 tháng đầu năm nay là Argentina chiếm 44,7% thị phần, tiếp đến là Hoa Kỳ chiếm 13%, Ấn Độ chiếm 5% và Trung Quốc chiếm 4,2% thị phần.

Thị trường tăng trưởng mạnh nhất so với cùng kỳ năm 2016 là thị trường Italy (tăng gần 9 lần) tiếp đến là thị trường Ấn Độ (tăng hơn 2 lần). Thị trường có giá trị giảm mạnh nhất là thị trường Áo, so với cùng kỳ năm 2016 thị trường này đã giảm 8,2%.

(Các thị trường nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu trong 4 tháng đầu năm nay của Việt Nam)

Về tình hình chăn nuôi trong nước, đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng cho biết, số lượng đàn trâu, bò cả nước trong tháng Năm không có nhiều biến động. Đàn bò phát triển ổn định nhờ các chương trình hỗ trợ bò giống cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo. Đàn bò sữa phát triển khá do có các dự án của nhiều công ty sữa đang được triển khai.

["Giải cứu thịt lợn": Doanh nghiệp kê khai giá bán thức ăn chăn nuôi]

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, so với cùng kỳ năm ngoái, hiện tại tổng số bò cả nước tăng khoảng 1,9%; tổng số trâu của cả nước giảm khoảng 0,5%. Chăn nuôi gia cầm phát triển tương đối ổn định, dịch cúm gia cầm có phát sinh nhưng chỉ xảy ra nhỏ lẻ tại một số tỉnh. Ước tính tổng số gia cầm của cả nước hiện tại tăng khoảng 2,8% so với cùng kỳ năm 2016.

“Riêng đối với ngành chăn nuôi lợn vẫn còn nhiều khó khăn, người chăn nuôi không tiêu thụ được sản phẩm dẫn đến tình trạng giảm đàn, bỏ đàn cùng với việc giá thịt lợn vẫn ở mức thấp, người chăn nuôi phải chịu lỗ. Tuy nhiên, ước tính số lượng lợn hiện tại của cả nước giảm khoảng 2% so với cùng kỳ năm 2016,” đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho hay.

Ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cũng cho biết, đầu năm 2017 ngành chăn nuôi tuy gặp khó khăn khi giá lợn xuống dốc bất ngờ, tuy nhiên nhìn chung ngành chăn nuôi vẫn duy trì được tốc độ phát triển.

“Việc nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu có sự gia tăng chứng tỏ nhu cầu của người chăn nuôi vẫn rất lớn.” ông Hoàng Thanh Vân nói.

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, giá trị nhập khẩu nông, lâm, thủy sản trong tháng Năm ước đạt 2,52 tỷ USD, đưa giá trị nhập khẩu nông, lâm, thủy sản trong 5 tháng đầu năm nay đạt khoảng 11,02 tỷ USD, tăng 23,6% so với cùng kỳ năm 2016.

Trong số đó, ước tính nhập khẩu các mặt hàng nông sản chính đạt 8,48 tỷ USD, tăng khoảng 32,3% so với cùng kỳ năm 2016./.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục