Nhập khẩu phế liệu: Cần cơ chế quản lý, kiểm soát, phòng ngừa từ xa

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho rằng, giải pháp cốt lõi đối với hoạt động nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất là tạo cơ chế quản lý, kiểm soát chặt và phòng ngừa từ xa.
Hàng phế liệu nhập về cảng Cát Lái. (Ảnh tư liệu: Hoàng Hải/TTXVN)

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Hoàng Văn Thức cho rằng, giải pháp cốt lõi đối với hoạt động nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất là tạo cơ chế quản lý, kiểm soát chặt và phòng ngừa từ xa.

Hoàn thiện hệ thống luật pháp

Nhằm tạo được cơ chế quản lý, kiểm soát và phòng ngừa từ xa đối với hoạt động nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất, loại bỏ nguy cơ biến Việt Nam trở thành trung tâm tái chế chất thải, phế liệu có chất lượng thấp, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu cho Chính phủ một số giải pháp, đưa ra những chủ trương, chính sách có tầm nhìn dài hạn về nhu cầu nhập khẩu phế liệu, trong đó chú trọng nhu cầu thực tế cần thiết và cân đối với năng lực cung ứng nguồn nguyên liệu trong nước.

Bộ sẽ rà soát sửa đổi, điều chỉnh một số quy định pháp luật liên quan đến nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất theo hướng đồng bộ giữa các yêu cầu bảo vệ môi trường theo các luật liên quan.

Với Nghị định hướng dẫn thi hành Luật bảo vệ môi trường 2014, Bộ đã thống nhất với các bộ, ngành đề xuất bổ sung quy định chặt chẽ về điều kiện nhập khẩu phế liệu; đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành “Chỉ thị về một số giải pháp cấp bách trong nhập khẩu và sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất,” trong đó sẽ phân công trách nhiệm cụ thể của các bộ, ngành, địa phương trong quản lý phế liệu nhập khẩu.

Bộ cũng kiến nghị với Chính phủ xem xét, quy định điều kiện nhập khẩu phế liệu chặt chẽ hơn như chỉ cho phép nhà sản xuất trực tiếp nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất, quy định rõ trách nhiệm của nhà nhập khẩu trực tiếp làm nguyên liệu sản xuất, không cho dỡ hàng hóa xuống cảng khi lô hàng chưa đủ hồ sơ theo quy định.

Với Quyết định số 73/2014/QĐ-TTg, Bộ đang nghiên cứu, rà soát, đề xuất sửa đổi về danh mục phế liệu được phép nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất theo hướng hạn chế tối đa danh sách phế liệu được phép nhập khẩu.

Trong đó, Bộ đề xuất hạn chế hoặc loại bỏ một số mã phế liệu có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường như phế liệu nhựa khác có nguồn gốc từ sinh hoạt, hoạt động nông nghiệp; phế liệu giấy hỗn hợp không phân loại chứa nhiều tạp chất; phế liệu không hoặc được ít các doanh nghiệp nhập khẩu như các nguyên tố hóa học đã được kích tạp dùng trong điện tử mã HS 500030000; những phế liệu đã chủ động được nguồn cung cấp trong nước như xỉ hạt nhỏ từ công nghiệp luyện gang, thép; thạch cao nhân tạo phát sinh từ nhiệt điện.

Tổng cục Môi trường cho rằng việc sửa đổi này vừa không làm phát sinh chi phí với nhà nước và người dân vừa giải quyết được các vướng mắc, hạn chế phát sinh trên thực tiễn về quản lý.

Bên cạnh đó, việc loại bỏ này cũng góp phần khuyến khích, đẩy mạnh việc xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy thép, nhiệt điện, hóa chất, phân bón trong nước làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị tạm dừng hoạt động tạm nhập tái xuất, quá cảnh, trung chuyển phế liệu vào Việt Nam; đề xuất không cấp mới giấy xác nhận đối với hoạt động nhập khẩu ủy thác; chỉ cấp giấy xác nhận cho phép cơ sở sản xuất nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất ra sản phẩm thương mại có giá trị dựa trên nhu cầu và năng lực sử dụng phế liệu.

Bên cạnh đó, Bộ tổ chức thanh tra, kiểm tra các cơ sở được cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất và hoạt động sử dụng phế liệu; thu hồi giấy phép của các doanh nghiệp nếu phát hiện sai phạm; khẩn trương hoàn thiện và ban hành các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đối với phế liệu nhập khẩu.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho rằng, những đơn vị được nhập phế liệu phải dựa trên nhu cầu sản xuất, thể hiện được năng lực về xử lý môi trường, cơ sở hạ tầng, tài chính, trách nhiệm.

Bộ sẽ không cấp phép cho những doanh nghiệp không đáp ứng điều kiện nhằm tránh tình trạng phế liệu “vô chủ” tại các bến cảng.

Việc nhập khẩu phế liệu về cho các nhà máy chỉ khuyến khích dùng vào sản xuất các sản phẩm chất lượng cao, nếu chỉ xử lý thô rồi tái xuất sẽ biến Việt Nam thành nơi tập kết rác thải.

[Quản lý nhập khẩu phế liệu: Nhiều vướng mắc trong thực tế triển khai]

Khẩn trương vào cuộc xử lý

Tháng 6/2018, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức kiểm tra công tác bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu tại 2 cảng biển lớn là Thành phố Hồ Chí Minh và Hải Phòng.

Tháng 7/2018, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã họp với 6 bộ, ngành liên quan để đánh giá phân loại, tổ chức xử lý hàng phế liệu nhập khẩu đã xác định vô chủ đang tồn đọng tại các cảng biển theo quy định; kiên quyết yêu cầu các chủ hàng, chủ tàu tái xuất các lô hàng vi phạm quy định; lựa chọn cơ sở có chức năng xử lý chất thải thực hiện tiêu hủy các lô hàng phế liệu vi phạm quy định về bảo vệ môi trường; tổ chức điều tra, khởi tố, xét xử một số vụ việc liên quan đến hành vi gian lận thương mại, tiếp tay đưa chất thải trái phép vào Việt Nam.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã khẩn trương tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ về dự thảo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách trong nhập khẩu và sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất.

Trong tháng 8/2018, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ sửa đổi và ban hành các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đối với phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất.

Bộ cũng sẽ tiến hành thanh tra toàn diện việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường trong hoạt động nhập khẩu, sử dụng phế liệu làm nguyên liệu sản xuất và công tác cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu, chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường với các tổ chức đã được Bộ chỉ định tham gia chứng nhận phù hợp quy chuẩn kỹ thuật môi trường đối với phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà chỉ đạo các đơn vị phải huy động mọi nguồn lực về con người, phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật, tài chính.

Trong quá trình thanh tra, nếu thấy cần thiết thì phải tiến hành lấy mẫu và phân tích mẫu môi trường, xử lý nghiêm các cán bộ có liên quan nếu có sai phạm; ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường của các tổ chức được cấp giấy chứng nhận; thu hồi giấy chứng nhận nếu phát hiện sai phạm cũng như nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp sản xuất có sử dụng phế liệu nhập khẩu.

Đầu quý IV năm 2018, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành Quyết định sửa đổi danh mục các phế liệu được phép nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục