Liên quan đến việc lọt 600 bánh heroin lên máy bay tại Tân Sơn Nhất sang Đài Loan (Trung Quốc) vào ngày 17/11 vừa qua, Cục Hàng không đã có báo cáo Bộ Giao thông Vận tải và thừa nhận nhân viên an ninh đã thực hiện việc soi chiếu qua máy soi nhưng mắc lỗi đánh giá chủ quan, công tác huấn luyện nghiệp vụ cho nhân viên an ninh hàng không về phòng chống ma túy chưa được thực hiện…
Chiều tối nay (7/12), Bộ Giao thông Vận tải đã phát đi thông cáo báo chí thông tin tới độc giả để làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân ngành Hàng không đối với vụ việc trên.
Về quy trình gửi hàng tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hàng hóa Tân Sơn Nhất (TCS), theo Bộ Giao thông Vận tải, Công ty TCS đã phối hợp với Hãng hàng không China Airlines (CI) Đài Loan thực hiện đầy đủ quy trình gửi hàng, xác định và kiểm tra quy cách đóng gói hàng nguy hiểm (hàng hóa chứa chất có thể gây mất an toàn cho chuyến bay; loa thùng là hàng có từ tính và theo phân loại của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế-IATA), lập đầy đủ tài liệu và chấp nhận vận chuyển theo quy định. Do đó, kiện hàng đã được thông quan hải quan để chuyển làm thủ tục soi chiếu an ninh hàng không.
Đề cập đến việc có thông tin cho rằng do máy soi chiếu bị hỏng nên để lọt lô hàng, Bộ Giao thông Vận tải khẳng định, máy soi tia X hoạt động tốt, đảm bảo chức năng và chất lượng soi; đảm bảo nguyên tắc 100% hàng hóa phải qua máy soi.
Về công tác bảo đảm an ninh hàng không, thông cáo của Bộ Giao thông Vận tải nêu rõ, kíp soi chiếu an ninh hàng không có đầy đủ thành phần, quy trình đã được thực hiện đúng. Qua soi chiếu hàng hóa đã xác định không có chất nổ, chất nguy hiểm và loại trừ được các yếu tố uy hiếp an ninh hàng không.
Tuy nhiên, Bộ Giao thông Vận tải cũng thừa nhận, nhân viên này đã không thực hiện việc kiểm tra trực quan mặc dù đã thấy sự bất thường là có đồ vật khác chèn chặt trong loa thùng, không nhận biết được là vật gì và không thông báo cho kíp trưởng.
“Nhân viên soi chiếu đã mắc lỗi đánh giá chủ quan, yếu về nghiệp vụ an ninh hàng không khi cho rằng đấy là những vật thông thường như giấy báo, cát tông được chèn để giữ các cấu kiện trong loa nên không tiến hành kiểm tra trực quan,” thông cáo báo chí của Bộ Giao thông Vận tải kết luận.
Đánh giá về công tác phối hợp về phòng chống ma túy tại địa bàn Cảng hàng không quốc tế của ngành Hàng không, Bộ Giao thông Vận tải nhìn nhận, Cục Hàng không Việt Nam và Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về ma túy (Bộ Công an) đã ký kết Quy chế phối hợp giữa để phối hợp trong công tác đấu tranh phòng ngừa, ngăn chặn hoạt động của tội phạm vận chuyển ma túy qua đường hàng không.
“Dù vậy, công tác huấn luyện nghiệp vụ cho nhân viên an ninh hàng không về phòng chống ma túy chưa được thực hiện. Đây là thiếu sót của ngành hàng không và cơ quan chức năng về phòng chống ma túy (Công an, Hải quan),” thông cáo của Bộ Giao thông Vận tải nêu rõ.
Đề cập đến xử lý trách nhiệm các nhân, đơn vị và biện pháp khắc phục liên quan đến vụ việc, theo Bộ Giao thông Vận tải, kíp trưởng do không được nhân viên soi chiếu báo cáo nên không có lỗi trong việc cho kiện hàng thông qua máy soi và dán tem niêm phong an ninh hàng không. Tuy nhiên, kíp trưởng vẫn phải chịu trách nhiệm với tư cách là người chịu trách nhiệm chỉ đạo, điều hành và giám sát toàn bộ công việc tại điểm kiểm tra theo quy định.
“Đến thời điểm này, Bộ đã kiểm điểm, tiếp tục đình chỉ năng định soi chiếu an ninh hàng không của nhân viên trực tiếp soi chiếu; phê bình, rút kinh nghiệm đối với kíp trưởng đồng thời hợp tác đầy đủ với cơ quan chức năng trong việc điều tra vụ việc,” dẫn lời thông cáo của Bộ Giao thông Vận tải.
Ngoài ra, Bộ Giao thông Vận tải cũng yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam rút kinh nghiệm; rà soát việc thực hiện quy chế phối hợp về phòng chống ma túy; chủ động phối hợp với cơ quan chức năng của Bộ Công an để triển khai việc huấn luyện nghiệp vụ cho nhân viên an ninh hàng không; nâng cao nhận thức về nhiệm vụ của ngành hàng không trong việc phòng chống vận chuyển ma túy qua đường hàng không và các loại tội phạm an ninh quốc gia khác…/.