Nhân viên LHQ sẽ giám sát tiến trình giải trừ vũ khí ở Colombia

Ngoại trưởng Colombia cho biết khoảng 400 nhân viên Liên hợp quốc sẽ giám sát thỏa thuận giải trừ vũ khí chấm dứt cuộc nội chiến ở nước này.
Ảnh minh họa. (Nguồn: un.org.za)

Ngoại trưởng Colombia, bà Maria Angela Holguin ngày 24/6 cho biết khoảng 400 nhân viên Liên hợp quốc (UN) sẽ giám sát thỏa thuận giải trừ vũ khí chấm dứt cuộc nội chiến tại quốc gia Nam Mỹ này, và trong tháng 7 tới tòa án sẽ quyết định có tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân để chứng thực thỏa thuận ngừng bắn hay không.

Thông báo trên được đưa ra một ngày sau khi Chính phủ Colombia và Lực lượng vũ trang cách mạng Colombia (FARC), lực lượng đối lập lớn nhất ở nước này, ký thỏa thuận ngừng bắn vĩnh viễn, một trong những bước cuối cùng tiến tới chấm dứt hơn nửa thế kỷ đối đầu vũ trang - cuộc xung đột dài nhất tại khu vực Mỹ Latinh.

Bước tiếp theo sẽ là ký một thỏa thuận hòa bình giữa hai bên, theo đó sẽ xúc tiến một quá trình giải trừ vũ khí kéo dài 6 tháng với sự giám sát của Liên hợp quốc.

Ước tính 7.000 thành viên của FARC sẽ tập trung tại 23 "khu vực bình thường hóa" để giải ngũ. Các nhà phân tích lưu ý rằng còn một vài vấn đề cần tiếp tục được giải quyết giữa hai bên, bao gồm cách thức các thành viên của FARC tái hoà nhập đời sống dân sự và tham gia vào đời sống chính trị.

Hiện hai bên cũng chưa nhất trí về địa điểm ký thỏa thuận hòa bình, Chính phủ Colombia muốn lễ ký được diễn ra tại thủ đô Bogota, trong khi đại diện của FARC muốn diễn ra tại thủ đô Havana của Cuba, nơi các cuộc đàm phán hòa bình được tiến hành trong suốt 4 năm qua.

Theo thỏa thuận ngừng bắn, hai bên cam kết chuyển từ sử dụng vũ khí sang theo đuổi các biện pháp chính trị với nguyên tắc dân chủ, tự do tư tưởng và thảo luận văn minh.

Hai bên cũng ấn định thời hạn hoàn thành việc giải trừ vũ khí trong vòng 180 ngày kể từ ngày ký thỏa thuận hòa bình cuối cùng. Hai bên cũng thông qua cơ chế giám sát 3 bên, với bên thứ 3 là phái đoàn quan sát viên Liên hợp quốc gồm các thành viên chủ yếu đến từ khu vực Mỹ Latinh, thành lập 8 khu lán trại và 23 khu vực vành đai chuyển tiếp nhằm thúc đẩy quá trình tái hội nhập xã hội từng bước của các cựu du kích quân.

Trước lễ ký thỏa thuận ngừng bắn vĩnh viễn diễn ra ngày 23/6, Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos đã bày tỏ hy vọng thỏa thuận hòa bình toàn diện sẽ được ký vào ngày 20/7 tới, mặc dù hai bên vẫn chưa ấn định thời gian.

Thỏa thuận ngừng bắn nói trên là bước quan trọng cuối cùng trước khi chình phủ Colombia và FARC ký kết thỏa thuận hòa bình, kết thúc thành công quá trình thương lượng hòa bình kéo dài gần 4 năm qua tại La Habana./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục