Nhân viên hàng không tại Tây Ban Nha đình công

Hoạt động hàng không ở Tây Ban Nha đang có nguy cơ gián đoạn giữa mùa du lịch, do các nhân viên kiểm soát không lưu đình công.
Công đoàn các nhân viên kiểm soát không lưu Tây Ban Nha (USCA) ngày 3/8 đã thông qua quyết định tổ chức đình công nhằm phản đối quyết định của chính phủ điều chỉnh điều kiện làm việc của họ, bao gồm cả mức lương và trợ cấp.

Kế hoạch này đe dọa sẽ gây gián đoạn hoạt động hàng không ở Tây Ban Nha trong mùa du lịch. Cuộc đình công sẽ diễn ra vào trung tuần tháng tám, tức là thời kỳ sôi động nhất của mùa du lịch ở Tây Ban Nha.

Kế hoạch đình công trên được thông qua sau khi Chính phủ Tây Ban Nha hồi tuần trước công bố một sắc lệnh về điều kiện lao động, trong đó giảm thời gian nghỉ và cắt các khoản trợ cấp ngoài giờ của các nhân viên kiểm soát không lưu.

Đầu năm nay, Chính phủ Tây Ban Nha đã quyết định cắt giảm khoản tiền lương được mô tả là "lương triệu phú" của các nhân viên kiểm soát không lưu, khi cho rằng mức lương và trợ cấp cao của họ là "một đặc quyền khó chấp nhận."

Trước đó, dư luận xã hội Tây Ban Nha đã tỏ sự bất bình trước thông tin được tiết lộ trên báo chí về mức thu nhập từ lương và trợ cấp rất cao của các nhân viên kiểm soát không lưu, trong bối cảnh nước này vẫn đang bị khủng hoảng tài chính với tỷ lệ thất nghiệp hiện chiếm 20% lực lượng lao động, đứng hàng thứ hai trong Liên minh châu Âu (EU) sau Latvia.

Cuối tháng năm vừa qua, Chính phủ Tây Ban Nha đã thông qua kế hoạch "thắt lưng buộc bụng" nhằm tiết kiệm 15 tỷ euro trong năm nay để kiềm chế mức thâm hụt ngân sách hiện cao gần gấp bốn lần mức trần theo qui định đối với các nước sử dụng đồng euro. Theo đó, Madrid sẽ giảm 5% chi tiêu cho các dịch vụ dân sự trong năm nay, trước khi tạm thời ngừng toàn bộ chi tiêu này trong năm tới.

Kế hoạch "thắt lưng buộc bụng" cũng sẽ giảm chi phí đầu tư, lương hưu và giảm 13.000 việc làm trong khu vực nhà nước.

Mục tiêu của chương trình khắc khổ này là nhằm tiết kiệm 50 tỷ euro trong ba năm tới để có thể đưa mức thâm hụt ngân sách từ 11,2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2009 xuống mức trần giới hạn 3% GDP theo quy định của EU vào năm 2013.

Kinh tế Tây Ban Nha rơi vào suy thoái sau khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu làm sụp đổ khu vực bất động sản một thời hưng thịnh của nền kinh tế lớn thứ tư khu vực đồng euro này hồi cuối năm 2008./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục