Nhân viên dưỡng lão ở Đức nhập viện vì tiêm liều vắcxin cao gấp 5 lần

Do sơ suất, 8 nhân viên làm việc tại một nhà dưỡng lão ở Đức bị tiêm liều vắcxin cao gấp 5 lần mức khuyến cáo mà nhà sản xuất Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) đưa ra.
Tiêm vắcxin phòng COVID-19 của Pfizer/BioNTech. (Ảnh: PAP/TTXVN)
Tiêm vắcxin phòng COVID-19 của Pfizer/BioNTech. (Ảnh: PAP/TTXVN)

Chiến dịch tiêm chủng quy mô lớn vắcxin phòng bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 cho 450 triệu dân số châu Âu đã có sự khởi đầu không mấy thuận lợi khi phát sinh sự cố tại một số nước.

Do sơ suất, 8 nhân viên làm việc tại một nhà dưỡng lão ở Đức bị tiêm liều vắcxin cao gấp 5 lần mức khuyến cáo mà nhà sản xuất Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) đưa ra.

Một nửa trong số những người này đã phải nhập viện. Sự việc xảy ra tại nhà dưỡng lão ở thành phố Stralsund, thủ phủ vùng Vorpommern-Ruegen, miền Bắc nước Đức hôm 27/12.

Người đứng đầu chính quyền vùng Vorpommern-Ruegen, ông Stefan Kert bày tỏ lấy làm tiếc vì sự cố này, nhấn mạnh đây là trường hợp đơn lẻ do lỗi cá nhân.

Quan chức này bày tỏ hy vọng những người bị ảnh hưởng không chịu tác dụng phụ nghiêm trọng nào.

Ở miền Nam nước Đức, nhà chức trách đã phải chuyển lại khoảng 1.000 liều vắcxin của Pfizer/BioNTech sau khi phát hiện hộp đựng vắcxin trong quá trình vận chuyển là các hộp làm mát thường được sử dụng cho các chuyến đi dã ngoại hoặc cắm trại - điều kiện không đạt tiêu chuẩn để bảo quản vắcxin này.

Là vắcxin phòng COVID-19 đầu tiên được cấp phép và phân phối trên toàn EU, vắcxin của Pfizer/BioNTech đòi hỏi chế độ bảo quản nghiêm ngặt.

Theo đó, vắcxin này phải được bảo quản ở nhiệt độ rất thấp - khoảng -70 độ C - trước khi được vận chuyển đến các trung tâm phân phối trong các hộp làm mát chuyên dụng chứa đầy đá khô.

[Pfizer bàn giao vắcxin cho 8 quốc gia EU muộn hơn kế hoạch]

Khi được vận chuyển khỏi kho bảo quản ở nhiệt độ cực thấp, vắcxin này có thể được rã đông trong vài ngày trước khi được sử dụng song vẫn phải được bảo quản ở nhiệt độ 2 độ C đến 8 độ C để duy trì hiệu quả trong tối đa 5 ngày.

Trong khi đó, tại Italy, một số chính trị gia đã phàn nàn rằng Đức - quốc gia thành viên lớn nhất của EU và là quê hương của hãng dược phẩm BioNTech - có thể nhận được số vắcxin phòng COVID-19 nhiều hơn so với tỷ lệ phân chia công bằng.

Trên trang Twitter, Giáo sư virus học Roberto Burioni đã chỉ ra những báo cáo tại Đức cho thấy những lô hàng vắcxin được bàn giao trong ngày đầu tiên gồm tổng cộng hơn 150.000 liều trong khi các nước EU khác chỉ nhận được 10.000 liều.

Tuy nhiên, khi được một phóng viên Italy hỏi về việc cung ứng vắcxin tại một buổi họp báo của Chính phủ Đức, một quan chức thuộc Bộ Y tế Đức phản hồi rằng Berlin đã ký thỏa thuận riêng rẽ để mua 30 triệu liều vắcxin của Pfizer/BioNTech.

Với tổng dân số 450 triệu người, EU đang cố gắng theo kịp Anh và Mỹ trong việc thực hiện tiêm chủng ngừa COVID-19 đại trà cho người dân.

Dự kiến, EU sẽ tiếp nhận 12,5 triệu liều vắcxin vào cuối năm nay, đủ cho 6,25 triệu người được tiêm 2 liều để đảm bảo ngừa bệnh.

Pfizer cho hay sẽ đáp ứng nhu cầu vắcxin trên toàn cầu và đặt mục tiêu sản xuất 1,3 tỷ liều vào năm 2021.

Ngoài Pfizer, EU đã ký hợp đồng mua tổng cộng hơn 2 tỷ liều vắcxin ngừa COVID-19 với loạt hãng dược phẩm khác như Moderna và AstraZeneca, đồng thời có kế hoạch tiêm chủng cho toàn bộ người trưởng thành vào năm 2021./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục