Những hệ quả sau vụ tự tử của một nhân viên trẻ của Dentsu vào năm ngoái không chỉ tác động tới tập đoàn quảng cáo này, mà còn có ảnh hưởng lan rộng trên khắp Nhật Bản.
Theo tờ Nikkei Asian Review, Matsuri Takahashi, một nhân viên 24 tuổi, đã kết liễu đời mình vì bị buộc làm thêm giờ quá nhiều. Cái chết của cô gái trẻ đã trở thành biểu tượng cho sự tham công tiếc việc trong văn hóa làm việc của Nhật Bản.
Sau một loạt hành động của các nhà quản lý lao động trước vụ việc này, vào ngày 24/10, Dentsu đã ra quy định cấm không cho nhân viên ở lại văn phòng sau 10 giờ tối, và thực hiện quy định mới bằng việc tắt hết đèn tại trụ sở Tokyo của công ty này.
Mỗi ngày làm việc, những cánh cửa chính của tòa nhà văn phòng trụ sở cao 48 tầng của công ty này lại trở nên nhộn nhịp với cảnh các nhân viên vội vã ra về trước khi đèn tắt.
Một đại diện kinh doanh hơn 30 tuổi cho biết giờ đây anh phải từ chối rất nhiều đơn hàng gấp của khách hàng.
“Trước đây, chúng tôi chấp nhận hầu hết những đơn hàng gấp như vậy, nhưng giờ không thể, bởi chúng tôi không thể làm việc muộn vào ban đêm được nữa,” anh cho biết.
Người đại diện này cũng cho biết trước đây anh thường xuyên báo cáo số giờ làm thêm thấp hơn so với thực tế để không vi phạm giới hạn 70 giờ mỗi tháng theo hợp đồng lao động và quản lý.
Trong lịch sử công ty, Dentsu đã mắc phải một danh sách dài những vi phạm tiêu chuẩn lao động.
Vào năm 1991, một nhân viên 24 tuổi làm việc tại công ty này được 2 năm đã tự tử do phải làm việc quá độ. Vào năm 2000, Tòa án Tối cao đã đưa ra phán quyết yêu cầu công ty chịu trách nhiệm trước cái chết của nhân viên này.
Trước phán quyết này, Dentsu đã cam kết sẽ cải thiện điều kiện làm việc.
Nhưng công ty quảng cáo hàng đầu Nhật Bản này đã không giữ được cam kết.
Vào năm 2010, chi nhánh Nagoya của Dentsu đã bị văn phòng điều tra tiêu chuẩn lao động hướng dẫn giảm số giờ làm việc. Chi nhánh Osaka và các trụ sở cũng nhận được hướng dẫn tương tự lần lượt vào các năm 2014 và 2015.
Takahashi đã tự tử chỉ 4 tháng sau khi văn phòng trụ sở được hướng dẫn kết thúc tình trạng làm thêm giờ quá độ.
Vào tháng 10, Bộ Lao động Nhật Bản đã lần đầu tiên đưa ra đề xuất ngăn chặn “karoshi” - một từ tiếng Nhật có nghĩa là “làm việc đến chết.” Chính phủ cũng đã chọn tháng 11 làm tháng vận động toàn quốc nhằm ngăn chặn những cái chết như vậy.
Các nhà chức trách dường như đã xác định rằng hình phạt nặng nề đối với Dentsu sẽ là lời cảnh báo tới các công ty khác.
Bộ trưởng Lao động Yasuhisa Shiozaki đã thề sẽ có những “nỗ lực toàn diện” để tìm ra sự thật.
Vụ việc của Takahashi cũng đã đưa ra một số câu hỏi nghiêm túc về phản ứng của chính phủ trước một vấn đề có quy mô vượt xa Dentsu.
Trong một cuộc họp ngày 14/11 của các nhà lãnh đạo các cơ quan quản lý lao động Nhật Bản, Junichi Okazaki, thứ trưởng điều phối chính sách thuộc bộ Lao động, đã nói rằng các nhà quản lý về lao động phải tự nhìn lại mình sau nhiều năm hướng dẫn các công ty cải thiện điều kiện làm việc mà không đem lại được kết quả gì đáng kể.
Năm 1916 tại Nhật Bản, bộ luật nhà máy đã lần đầu tiên đưa ra những quy định của nước này về làm việc quá giờ.
Một thế kỷ sau, đã có 96 cái chết được ghi nhận chính thức là do làm việc quá mức gây ra, trong khi đó 93 vụ tự tử khác bao gồm những nỗ lực không thành đã được xác định nguyên nhân là do yêu cầu làm việc quá mức.
Trong một hội nghị chuyên đề về karoshi do bộ Lao động Nhật Bản tổ chức vào ngày 9/11, trong nước mắt, mẹ của Takahashi, bà Yukimi đã đọc những dòng chữ cuối cùng đầy cay đắng của con gái bà gửi cho bà trước 500 người tham dự.
“Vĩnh biệt, mẹ yêu dấu và quý mến của con. Vĩnh biệt, cả cuộc đời lẫn công việc của con đều thật khó khăn và đau đớn.”
Bà muốn các công ty Nhật Bản có những nỗ lực thực sự để rút ra bài học từ cái chết bi kịch của con gái bà và sửa chữa sai lầm của họ. “Không có công việc nào quan trọng hơn mạng sống của một con người”./.