Theo trang mạng eurasiareview, nước Mỹ đang bị tổn thương từ cuộc khủng hoảng này đến cuộc khủng hoảng khác, ngay cả khi cuộc bầu cử tổng thống tháng 11 tới đang đến gần hơn khi mỗi ngày trôi qua.
Hiện có một cảm giác mong manh đâu đó nhấn mạnh đến sự chia rẽ xã hội và chính trị tại đất nước này.
Từ đại dịch COVID-19 cho tới tình trạng bạo lực sau cái chết của thanh niên da màu George Floyd hồi tháng trước, nước Mỹ dường như chưa chuẩn bị để đối phó với quy mô của những thách thức mà một quốc gia lâu nay vẫn tự hào là ngọn hải đăng của sự tự do và dân chủ trên thế giới.
Và tại thời điểm khi mà nước Mỹ cần đến vai trò của người lãnh đạo nhất, thì ban lãnh đạo chính trị tại đất nước này lại đang thiếu đi hành động cụ thể.
Để đối phó với tình trạng hỗn loạn đó, Mỹ đang chuẩn bị bước vào giai đoạn cuối cùng của cuộc bầu cử khá hờ hững. Những người tự do cho rằng việc xử lý yếu kém trong cuộc khủng hoảng virus corona và cuộc bạo động sắc tộc khiến ông Trump có thể bị “trọng thương," so với đối thủ đảng Dân chủ Joe Biden.
Mặt khác, phe bảo thủ chỉ ra rằng một cuộc bầu cử tương đối bị phân cực chủng tộc và cấp tiến hóa sẽ dẫn đến sự đoàn kết của các cử tri da trắng tại các bang Trung-Tây hậu thuẫn Trump, khiến cơ hội tái đắc cử của vị tổng thống này trở nên dễ dàng hơn.
Trong khi đó, ông Joe Biden lại tự tạo nên sự lúng túng khi trả lời phỏng vấn trên làn sóng phát thanh của người Mỹ gốc Phi rằng “Nếu bạn có vấn đề trong việc lựa chọn tôi hay là Trump, thì bạn không phải là người da màu."
Đối với ông Trump, ngay từ đầu năm nay khi đại dịch COVID-19 bùng phát, nó đã trở thành một thách thức trong việc chuyển chủ đề thảo luận hòng tránh bị chỉ trích về những sai sót về mặt hành chính của ông. Với ông Trump, đó là một vấn đề lớn bởi nó phơi bày mọi điểm yếu của ông.
Trong quá khứ, ông có thể làm trệch hướng sự chú ý và củng cố uy tín bằng cách nhằm vào đối thủ - đảng Dân chủ, truyền thông, hệ sinh thái tự do rộng lớn hơn. Tuy nhiên, virus corona đã phơi bày những thất bại trong quản lý của ông Trump một cách chính xác tại thời điểm khi mà nước Mỹ đã bắt đầu nhìn nhận nghiêm túc cuộc bầu cử sắp tới.
Và do đó, nhân tố Trung Quốc đã nổi lên. Theo nhiều cách, bối cảnh cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 tới nay khá độc đáo khi mà vấn đề chính sách đối ngoại chiếm ưu thế trong các bài thuyết trình.
Bất chấp sự thống trị toàn cầu của Mỹ, chu kỳ bầu cử có xu hướng cực kỳ hẹp hòi với các chính đảng chủ yếu tranh luận về các vấn đề trong nước. Tuy nhiên, trong những cuộc bầu cử này, ông Trump đã đưa Trung Quốc trở thành vấn đề quan trọng theo đúng nghĩa của nó.
Ông đã tỏ ra cực kỳ cứng rắn đối với Trung Quốc trong suốt nhiệm kỳ của mình và cho thấy một sự nhất quán đáng kể khi nói đến việc vận động dư luận nước Mỹ chống Trung Quốc.
Theo nhiều cách, chính sách Trung Quốc của ông có lẽ sẽ là di sản lâu dài nhất trong lĩnh vực chính trị.
Tuy nhiên, ngay khi đã nhận ra thách thức này khi đang phải đối mặt với việc xử lý đại dịch COVID-19, ông Trump củng cố quan điểm cứng rắn với Trung Quốc và gia tăng áp lực trên nhiều mặt trận.
Từ thương mại và công nghệ cho đến các thể chế đa phương và Hong Kong, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang đối mặt với nhau trên nhiều mặt trận.
Sau buổi lễ ký kết thỏa thuận thương mại với Trung Quốc hồi tháng 1 mà ông Trump từng ca ngợi đó là một động thái quan trọng hướng đến việc tạo ra mối quan hệ đối tác công bằng và có đi có lại, cuối cùng ông đã cảm thấy “khác biệt” về thỏa thuận này vào tháng 5, cho rằng “rất thất vọng về những điều xảy ra với Trung Quốc vì dịch bệnh lây lan và không thể ngăn chặn."
Chính quyền của Tổng thống Trump đã liên tục đưa ra quan điểm rằng sự bưng bít và chỉnh sửa thông tin của Trung Quốc đã dẫn đến việc thế giới không thể xử lý và ngăn chặn sự lây lan của virus Corona chết người.
Sau một vài do dự ban đầu, Tổng thống Trump cũng không ngại ngần nhắm trực tiếp vào Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bởi ông được cho là đứng đằng sau “sự tuyên truyền và tin giả nhằm vào Mỹ và châu Âu. Đáng chú ý hơn, ông Trump đã cho rằng Trung Quốc tỏ ra “liều lĩnh” khi đặt cược vào Joe Biden giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.
Ông Trump đã “kết liễu” mối quan hệ của Mỹ với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) sau khi đổ lỗi Trung Quốc đã “kiểm soát hoàn toàn WHO."
Trong một động thái khác nhằm vào Trung Quốc, ông Trump đã tuyên bố rõ ràng rằng ông cương quyết mở rộng G7 để mời thêm Ấn Độ, Nga, Hàn Quốc và Australia.
Và trong một động thái trả thù đối với luật an ninh mới do Trung Quốc áp dụng tại Hong Kong, ông Trump đã nhanh chóng thông báo rằng ông không còn quan tâm đến việc Hong Kong tách khỏi Trung Quốc, dẫn đến việc chấm dứt quy chế ưu đãi thương mại và du lịch cho Hong Kong.
[Bầu cử Mỹ: 5 bước có thể dẫn tới chiến thắng của ông Trump]
Gần đây hơn, Mỹ đã quyết định cấm máy bay thương mại Trung Quốc đến Mỹ từ giữa tháng 6 trong một nỗ lực gây áp lực lên Bắc Kinh để cho phép hàng không Mỹ nối lại các chuyến bay.
Trong tất cả các mục tiêu nhằm vào Trung Quốc, cuốn hồi ký mới của John Bolton - cựu Cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Trump - đã tiết lộ rằng Tổng thống đã rất muốn thuyết phục Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mua các sản phẩm nông nghiệp của Mỹ để giúp chiến dịch tái đắc cử của ông, thậm chí ông dường như ủng hộ kế hoạch xây dựng các cải tạo lao động cho người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ thiểu số của Trung Quốc.
Đối với một tổng thống đang nỗ lực đặt ra kế hoạch cứng rắn đối với Trung Quốc, đây có thể sẽ là những tiết lộ mang tính phá hoại.
Chỉ vài tuần qua, tình hình trở nên khá bất thường khi căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng gia tăng.
Ông Trump đã biến Trung Quốc thành một nhân tố quan trọng trong các cuộc bầu cử tổng thống, hy vọng tập hợp những người ủng hộ cương lĩnh của ông và gây khó khăn cho ông Biden khi đánh giá về Trung Quốc.
Trong những tháng tới, khi cuộc tranh luận về những ưu tiên trong nước của Tổng thống Trump được tăng cường, sẽ thú vị hơn khi xem nhân tố Trung Quốc sẽ tiếp tục đóng vai trò như thế nào trong tranh chấp chính trị đang điễn ra giữa hai ứng cử viên tổng thống./.