Nhân tố thúc đẩy Mỹ cho ra đời thế hệ tàu chiến mới

Mối đe dọa từ A2/AD của Trung Quốc sẽ khiến các nhiệm vụ mà Mỹ tiến hành thêm phần nguy hiểm, và chỉ có những tàu chiến được thiết kế và trang bị phù hợp mới có thể triển khai hiệu quả trong khu vực.
Nhân tố thúc đẩy Mỹ cho ra đời thế hệ tàu chiến mới ảnh 1Tàu khu trục USS Donald Cook. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo trang mạng nationalinterest.org, trong Chiến tranh Thế giới II, siêu tàu chiến Yamato và Musahi của Nhật Bản được trang bị 9 khẩu súng nòng 18,1 inch (tương đương 46cm), loại súng hải quân lớn nhất từng được triển khai.

Tuy nhiên, các vũ khí này chưa từng đánh chìm được bất cứ tàu chiến nào của Mỹ.

Trong các cuộc xung đột có sự tham gia của máy bay hải quân, Yamato và Musahi chủ yếu đóng vai trò tàu chỉ huy và vận chuyển binh sỹ.

Với số lượng trang bị khổng lồ, Yamato và Musahi được mệnh danh là “những chú khủng long” trong giai đoạn đầu thời kỳ chiến lược.

Việc đánh chìm những tàu chiến này không đơn giản. Cần phải có tới 11 quả ngư lôi và 6 quả bom để đánh chìm Yamato, trong khi con số này đối với Musahi là 19 ngư lôi và 17 quả bom.

Vào thời điểm bị đánh chìm, cả hai con tàu này đều đã ở trong tình trạng hư hỏng khá nặng sau các lần sửa chữa từ những cuộc tấn công trước đó.

Thực tế là không còn năng lực chiến lược, Yamato và Musahi gần như vẫn là những pháo đài không thể bị phá hủy.

Việc xây dựng năng lực hải quân cần tới quá trình lên kế hoạch từ trước hàng thập kỷ, và các nhà hoạch định chiến lược luôn đối mặt với thách thức về thời gian.

Từ cuối Chiến tranh Thế giới II, kế hoạch của hải quân Mỹ thường xoay quanh trọng tâm là lực lượng tàu sân bay, song chiến tranh thế giới không phải là thứ thường xuyên diễn ra trong khi người ta cần để tâm tới hàng loạt nhiệm vụ khác.

Để đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc, Mỹ đã lựa chọn một nhiệm vụ thường xuyên hơn là các cuộc tuần tra bảo vệ tự do hàng hải (FONOP), các chiến dịch không liên quan đến việc tham chiến.

[Đối đầu hải quân ở Biển Đông là dấu hiệu thay đổi quan hệ Trung-Mỹ]

Cho đến nay, Trung Quốc vẫn đủ tỉnh táo và khéo léo tránh thách thức những hoạt động này của Mỹ, song thực tế cho thấy trong trường hợp va chạm, sự “mong manh” của các tàu khu trục Mỹ là điều rất dễ dẫn đến những hệ quả nghiêm trọng.

Tháng 6/2017, tàu USS Fitzgerald đã hư hỏng nặng sau va chạm với một tàu container, khiến 7 thuyền viên của tàu khu trục thiệt mạng.

Tháng 8/2017, USS John S. McCain suýt bị một tàu chở dầu “đánh chìm.”

10 thuyền viên đã thiệt mạng trong khi tàu chở dầu trong va chạm không hề hấn gì. Tạm gạt sang một bên kỹ năng yếu kém của thủy thủ đoàn, hai vụ va chạm này càng nhấn mạnh tới lỗ hổng nghiêm trọng trong lực lượng tàu biển hải quân hiện nay là khả năng “sống sót” yếu kém.

Hải quân Mỹ cần hỏa lực từ hạm đội tàu sân bay tấn công cũng như hạm đội khu trục có tên lửa dẫn đường.

Tuy nhiên, họ cũng cần những con tàu có thể tồn tại được sau các va chạm và tiếp tục di chuyển sau tấn công.

Đây càng trở thành một tiêu chuẩn quan trọng hơn khi Trung Quốc đang gấp rút phát triển năng lực tấn công của mình. Sẽ sớm đến lúc người ta nhận ra rằng việc đưa các tàu chiến thiếu trang bị và thiết giáp tới Biển Đông là điều cực kỳ nguy hiểm.

Các phương tiện do thám là cách để tránh xung đột, và Mỹ vẫn là nước dẫn đầu trong việc phát triển các tàu khu trục do thám.

Tuy nhiên, hoạt động âm thầm này lại không làm nổi bật ý nghĩa và mục đích của các chiến dịch FONOP. Một tàu chiến phù hợp với thời đại là loại tàu vừa có lớp vỏ thiết giáp tân tiến vừa có hệ thống kiểm soát thiệt hại tự động để biến con tàu đó thành vật thể gần như không thể chìm.

Các vũ khí tấn công có thể được trang bị cụ thể tùy theo nhiệm vụ song mục tiêu chính là để đảm bảo sự sống còn. Đó phải là một con tàu có thể tham gia một cuộc chiến và vẫn có thể đủ sức trở về.

“Tàu chiến của tương lai” có thể giải quyết thách thức đặt ra bởi chiến lược chống tiếp cận/chống xâm nhập (A2/AD) ngày một rõ nét của Trung Quốc, chiến lược nhằm đánh bật Mỹ khỏi Biển Đông.

Trung Quốc đang nhanh chóng mở rộng và cải thiện mạng lưới giám sát trên bờ, ngoài khơi, dưới biển và cả trong không gian với mục tiêu bao quát toàn bộ hoạt động diễn ra trong khu vực từ đại lục tới chuỗi đảo thứ nhất (gồm Nhật Bản, Okinawa, Đài Loan và Philippines).

Những cải thiện trong lĩnh vực phát triển vũ khí tân tiến đồng nghĩa với việc Trung Quốc có thể tấn công mọi mục tiêu mà họ nắm được.

Mỹ cần phải thay đổi một loạt kế hoạch tác chiến với những khái niệm như chiến tranh hàng hải/hàng không (AirSea Battle), “can dự vùng quốc tế toàn cầu và liên hợp cơ động” (JAM-GC) cũng như chiến lược “bù đắp thứ ba” (Third Offset) - chiến lược nhằm duy trì lợi thế tối ưu về quân sự bằng các loại vũ khí mới được tạo ra bằng các công nghệ khoa học kỹ thuật hiện đại nhất.

Điểm chung của cả 3 kế hoạch này là coi “tấn công hiệu quả là cách phòng thủ tối ưu nhất.”

Thay vì phòng thủ và chống đỡ với các cuộc tấn công A2/AD, các chuyên gia cho rằng Mỹ nên tấn công phủ đầu để chiếm quyền kiểm soát các mạng lưới chỉ huy có liên quan trực tiếp tới hệ thống giám sát và điều phối vũ khí của Trung Quốc.

Vấn đề nằm ở chỗ điều này chắc chắn sẽ nhanh chóng kích động mâu thuẫn thành một cuộc xung đột tổng lực.

Vì vậy, thế hệ tàu chiến tương lai được xem là lựa chọn khả thi hơn bởi chúng giúp Mỹ có thể phòng thủ hiệu quả trong các cuộc xung đột giới hạn.

Lấy ví dụ, một tàu chiến kiểu này có thể đối phó các hành vi khiêu khích của Trung Quốc bằng cách vô hiệu hóa hệ thống giám sát dưới đáy biển hoặc cắt cáp ngầm của Trung Quốc.

Các tàu này cũng có thể “sống sót” khi bị tấn công, và trong trường hợp các xung đột vì A2/AD leo thang thành chiến sự, các con tàu này cũng có thể thiết lập một vùng nguy hiểm nơi khả năng tấn công của Mỹ sẽ lật ngược thế cờ.

Các chiến dịch FONOP diễn ra thường xuyên hơn càng nhấn mạnh tới sự cần thiết của các lựa chọn này.

Mối đe dọa từ A2/AD (của Trung Quốc) sẽ khiến các nhiệm vụ mà Mỹ tiến hành thêm phần nguy hiểm, và chỉ có những tàu chiến được thiết kế và trang bị phù hợp mới có thể triển khai hiệu quả trong khu vực./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục