Nhân tố làm "đảo chiều" thái độ của Trung Quốc đối với Israel

Israel cần thận trọng, tránh để bị kéo quá sâu vào mâu thuẫn giữa Mỹ và Trung Quốc, bị sử dụng như một công cụ và có thể phải hứng chịu những hậu quả không mong muốn.
Nhân tố làm "đảo chiều" thái độ của Trung Quốc đối với Israel ảnh 1Ủy viên Quốc vụ kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị. (Nguồn: nknews.org)

Theo tờ Jerusalem Post, khi nhắc đến cuộc xung đột vừa qua giữa Israel và các lực lượng vũ trang tại Palestine, Trung Quốc đã đưa ra những chỉ trích nặng nề hơn nhằm vào Israel, khác hẳn những ngôn từ ngoại giao mà Bắc Kinh vẫn dành cho Israel trước đây.

Quan hệ song phương Israel-Trung Quốc trong vài chục năm gần đây phát triển khá nhanh. Nhiều cơ quan, tổ chức hợp tác ra đời ở cả hai bên.

Tổng thống Israel Reuven Rivlin cách đây 2 tháng đã tiếp đón Đại sứ mới của Trung Quốc tại Israel Cai Run. Hai bên đang hướng tới kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm sau.

Tuy nhiên, trong cuộc xung đột Israel-Palestine mới nhất, ngày 16/5, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã chỉ trích Mỹ cản trở Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ra nghị quyết phê phán Israel.

Vương Nghị nói rằng leo thang xung đột giữa hai bên đã gây ra nhiều thương vong cho Palestine, nhưng lại không đề cập gì tới tên lửa của Hamas bắn sang Israel. Phát biểu trên đài truyền hình Trung Quốc, ông nói: “Trung Quốc lên án mạnh mẽ các hành động chống lại dân thường, kêu gọi 2 bên dừng ngay lập tức các hoạt động quân sự và thù địch… Đặc biệt Israel phải kiềm chế.”

Tuyên bố không đề cập tới 4.000 quả tên lửa của Hamas, nhưng lại kêu gọi Israel dỡ bỏ phong tỏa tại Gaza và đảm bảo cho người dân Palestine được an toàn và thực thi quyền trên lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng. Nhắc lại sự ủng hộ đối với “giải pháp hai nhà nước,” Vương Nghị nêu rõ Trung Quốc ủng hộ người Palestine, đồng thời đề xuất đứng ra làm trung gian hòa giải giữa Palestine và Israel.

[Israel cho phép nối lại hoạt động nhập khẩu nhiên liệu tại Dải Gaza]

Bên cạnh đó, người dẫn chương trình truyền hình Zheng Junfeng còn có một động thái gây tranh cãi khi đưa ra những bình luận chống Do Thái khi nói rằng “một số người tin rằng chính sách của Mỹ ủng hộ Israel là do ảnh hưởng của nhóm người Mỹ gốc Do Thái và do có sự vận động của người Do Thái đối với các nhà lập pháp Mỹ.”

Zheng Junfeng lưu ý rằng Mỹ là đối thủ của Trung Quốc và Israel là “tiền đồn” của Mỹ tại Trung Đông. Nhận định về những diễn biến trên, giám đốc trung tâm SIGNAL chuyên nghiên cứu về quan hệ Israel-Trung Quốc mới đây lưu ý rằng “trong các cuộc xung đột trước liên quan đến Israel, Trung Quốc chưa bao giờ lên tiếng như vậy.”

Tuy nhiên, cục diện thế giới đang thay đổi. Trung Quốc đang tìm cách tái định vị bản thân là người phát ngôn cho cộng đồng quốc tế như là một phần của chiến lược điều chỉnh các mối quan hệ toàn cầu phù hợp hơn với hệ thống và lợi ích của Bắc Kinh.

Các bình luận của Trung Quốc đã thay đổi để hướng tới các nước cánh tả cấp tiến đang quan tâm tới cuộc xung đột tại Dải Gaza và chỉ rõ vai trò truyền thống của Mỹ là người chủ trì.

Các động thái trên rất đáng lưu ý bởi trong vài thập kỷ qua Israel luôn tìm cách thúc đẩy quan hệ gần gũi hơn với Trung Quốc. Tại lễ kỷ niệm 20 thiết lập quan hệ Israel-Trung Quốc năm 2012, bộ trưởng ngoại giao Israel từng nói: “Israel đánh giá cao tầm quan trọng của việc thúc đẩy quan hệ với Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, thành viên của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và là một quốc gia có ảnh hưởng lớn ở châu Á và trên trường quốc tế. Israel ngưỡng mộ trước những thành tựu kinh tế, khoa học và công nghệ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong những thập niên vừa qua.”

Về phần mình, Trung Quốc cũng rất quan tâm tới tăng cường quan hệ với Israel. Tuy nhiên, gần đây, Mỹ bắt đầu không hài lòng với mối quan hệ này, cảnh báo Israel về các thương vụ chuyển giao công nghệ, ngăn chặn Israel ký hợp đồng với các nhà thầu Trung Quốc xây dựng cảng Haifa và các dự án hạ tầng chiến lược khác.

Đặc biệt, mấy năm gần đây, quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc trở nên đối đầu trực diện hơn. Bắc Kinh ngày càng tỏ ra cứng rắn trên biển và tăng cường can dự vào các nơi khác trên thế giới.

Năm ngoái, Trung Quốc đã ký thỏa thuận hợp tác 25 năm với Iran. Tới đây sẽ còn nhiều biến động nữa, do thế giới đang trở nên đa cực; và các nước như Trung Quốc, Nga, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ có những mối quan hệ chồng chéo, trong đó Iran và Thổ Nhĩ Kỳ có quan điểm thù địch với Israel.

Trung Quốc không thù địch với Israel, nhưng lại có nhiều mối quan tâm tại đây do Bắc Kinh đang muốn thúc đẩy vai trò toàn cầu của mình. Trong khi đó, nhiều tiếng nói tại Mỹ, nhất là từ phe Dân chủ, cũng muốn Washington ngừng bán vũ khí cho Israel.

Điều này đặt Israel vào một tình thế khó xử, bởi Israel cũng đang muốn hợp tác với các nền kinh tế mới nổi ở châu Á. Mỹ không muốn Israel quan hệ với Trung Quốc, nhưng lại thiếu một cam kết rõ ràng trong khu vực. Israel có quan hệ tốt với Ấn Độ, Singapore, Hàn Quốc, Việt Nam và một số nước khác như Australia và Nhật Bản.

Tuy nhiên, Ấn Độ đang hiềm khích với Trung Quốc, khiến các dự án hợp tác quân sự giữa Israel và Ấn Độ bị Trung Quốc “để mắt.”

Có 2 vấn đề lớn liên quan đến tình thế hiện nay của Israel. Thứ nhất là những bình luận của Trung Quốc dường như nhằm vào Mỹ nhiều hơn là nhằm vào Israel.

Trung Quốc nói rằng Mỹ làm ngơ trước nỗi thống khổ của người Hồi giáo (trong cuộc xung đột Israel-Palestine), và Washington lâu nay cũng cáo buộc Bắc Kinh điều tương tự.

Nhân tố thứ hai liên quan đến cá nhân cựu Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, người đã không thông báo với Trung Quốc trước khi tấn công Gaza, không tìm cách phản bác khi tuyên bố của Trung Quốc tại Liên hợp quốc không đề cập đến Hamas, và 10 ngày sau khi chiến sự nổ ra mới có họp báo và thông báo với các nhà ngoại giao nước ngoài tại Israel. Israel đã có những thành tựu ngoại giao ấn tượng trong năm ngoái, nhưng năm 2021 lại đang chệch choạc.

Về mặt ngoại giao, Israel lẽ ra phải thông báo và giải thích với các nước khác về mục đích của việc tham chiến. 4.000 quả rocket đã được bắn vào lãnh thổ Israel, một số lượng nhiều chưa từng thấy.

Trung Quốc và một số nước khác đã không chỉ trích Thổ Nhĩ Kỳ về các vụ không kích nhằm vào Iraq hay Syria là bởi vì Thổ Nhĩ Kỳ khôn khéo hơn khi thông báo mục đích tấn công.

Trong khi đó, Israel không lôi kéo được dư luận lên án hoặc yêu cầu Hamas ngừng bắn. Tại Liên hợp quốc, chỉ có Mỹ và Hungary bảo vệ Israel, điều này chứng tỏ các vấn đề trong quan hệ giữa Israel và Trung Quốc nghiêm trọng hơn và do Israel làm chưa tốt để cải thiện mối quan hệ này.

Israel cũng cần thận trọng, tránh để bị kéo quá sâu vào mâu thuẫn giữa Mỹ và Trung Quốc, bị sử dụng như một công cụ và có thể phải hứng chịu những hậu quả không mong muốn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục