Được mô tả là “nền tảng” sẽ quyết định “sức mạnh và vị thế tương lai của Trung Quốc trên thế giới,” ngành sản xuất một lần nữa trở thành động lực chính của tăng trưởng kinh tế, có thể giúp Trung Quốc "soán ngôi" Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Trong bối cảnh ngày càng có nhiều cuộc cạnh tranh ở cả các quốc gia phát triển và đang phát triển, Trung Quốc đang nỗ lực khởi động lại ngành sản xuất, đồng thời từ bỏ lối đi cũ là dựa vào chi tiêu bất động sản và cơ sở hạ tầng để phát triển kinh tế.
Phó Tổng Thư ký Gao Gao của Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia (NDRC) thừa nhận rằng Trung Quốc vẫn tụt lại đáng kể so với các đối thủ "nặng ký" trong ngành sản xuất công nghệ cao là Nhật Bản và Đức.
Tuy nhiên, ông cũng cho biết kế hoạch 5 năm lần thứ 14 của Trung Quốc chủ yếu tập trung vào việc nâng mức lương trong ngành sản xuất, phát triển các ngành công nghiệp sản xuất mới, cũng như tích hợp sản xuất với dịch vụ, tất cả đều nhằm mục đích khiến ngành này hấp dẫn trở lại đối với những người đi tìm việc làm.
Tuần trước, Quốc vụ viện Trung Quốc cũng cho biết đang hướng tới kế hoạch trợ cấp để đào tạo hơn 75 triệu người nhằm tăng số lượng công nhân lành nghề. Gao Gao nói: “Trong dài hạn, cơ cấu nhân khẩu học đang có những điều chỉnh sâu hơn, số người trong độ tuổi lao động giảm và nguồn cung lao động cũng giảm... Nhiều người trẻ có thể miễn cưỡng khi phải tìm việc làm trong ngành sản xuất và ưu tiên làm việc trong các ngành dịch vụ, nơi mà công việc linh hoạt hơn và không căng thẳng (như sản xuất).”
Trung Quốc cho biết vào cuối kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021-2025, họ có thể trở thành một nước có thu nhập cao, qua đó tăng gấp đôi quy mô nền kinh tế vào năm 2035 - đồng nghĩa với việc nước này có thể sẽ vượt Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Sự phát triển của ngành sản xuất chất lượng cao có vai trò quan trọng đối với sự phát triển nền kinh tế chất lượng cao. Tháng Bảy vừa qua, các dự báo từ Bloomberg Economics cho rằng Trung Quốc thậm chí có thể giành được vị trí nền kinh tế số 1 thế giới ngay trong năm 2031.
Trong quá khứ, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc chủ yếu dựa trên hoạt động đầu tư vào cơ sở hạ tầng và tài sản, nhưng Bắc Kinh muốn kiểm soát mức nợ ngày càng tăng, đồng thời định hướng đầu tư vào lĩnh vực sản xuất. Khi mức tiêu thụ vẫn chưa phục hồi hoàn toàn do tác động của đại dịch COVID-19, sản xuất được coi là cứu cánh cho sự tăng trưởng trong tương lai của Trung Quốc.
NDRC cho biết: “Sự phát triển chất lượng cao của ngành sản xuất đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển nền kinh tế chất lượng cao.”
[Tham vọng là trung tâm thế giới của Trung Quốc thiếu chắc chắn]
Cơ quan hoạch định kinh tế này nhấn mạnh rằng sản xuất là một phần không thể thiếu trong kế hoạch trở thành một xã hội “hoàn toàn thịnh vượng,” đồng thời có ý nghĩa chiến lược với mục tiêu trở thành một “nước xã hội chủ nghĩa hiện đại” của Trung Quốc.
Báo cáo của NDRC cho biết thêm: “(Sản xuất) là nền tảng quyết định sức mạnh của quốc gia và vị thế tương lai của quốc gia đó trên thế giới.”
Xia Le, chuyên gia kinh tế trưởng khu vực châu Á-Thái Bình Dương của công ty dịch vụ tài chính BBVA, cho biết để đáp ứng mục tiêu tăng trưởng của Trung Quốc khoảng 5-5,5% trong 10-15 năm tới, nước này không nên để cơ cấu của ngành sản xuất trong Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bị sụt giảm.
Ông nói thêm rằng các nhà hoạch định chính sách có thể chấp nhận sự suy giảm ở các thành phần khác của nền kinh tế, song mục tiêu chính của Trung Quốc vẫn là duy trì sự tăng trưởng của ngành sản xuất trong những năm tới.
Đóng góp của ngành sản xuất vào GDP của Trung Quốc đã giảm trong 4 năm qua, riêng năm 2019 giảm từ mức hơn 30% xuống còn 27,7%. Báo cáo của NDRC cho thấy số lượng các công ty đăng ký thành lập mới trong ngành sản xuất giảm trung bình 5,2% từ năm 2017-2019, trong khi số lượng các nhà sản xuất đóng cửa cùng kỳ lại tăng đáng kể, với tỷ lệ trung bình 24,6%/năm.
George Magnus - chuyên gia cộng tác với Trung tâm Trung Quốc của trường Đại học Oxford, đồng thời là nhà nghiên cứu tại Đại học SOAS London - cho biết Trung Quốc có thể phát triển ngành sản xuất để cạnh tranh hoặc thậm chí vượt qua các quốc gia như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đức trong một số lĩnh vực, song vẫn còn thiếu sự đổi mới.
Ông bình luận: “Nói cách khác, sức mạnh và trọng lượng của nền kinh tế không chỉ nằm ở việc có một ngành sản xuất sôi động, bài học kinh nghiệm của Nhật Bản cũng cho thấy điều này. Tôi nghĩ Trung Quốc sẽ cần kết hợp sản xuất với việc hồi sinh quá trình cải cách mà chính phủ vẫn đang trì hoãn.”
Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 của Trung Quốc đánh dấu sự thay đổi khỏi trọng tâm tăng trưởng truyền thống trong các chiến lược trước đây của Bắc Kinh. Thay vào đó, kế hoạch nhấn mạnh đến "sự phát triển chất lượng," tập trung vào nội lực của nền kinh tế. Điều này làm dấy lên lo ngại rằng Trung Quốc sẽ hạn chế tham gia thương mại quốc tế, khiến những cam kết về gia tăng hiệu quả thị trường và tiếp tục mở cửa của nước này bị đẩy lùi.
Tuy nhiên, Trương Minh - Phó Giám đốc Viện Tài chính thuộc Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc (CASS) - tin rằng mặc dù công thức cải cách và mở cửa đã có hiệu quả, nhưng Trung Quốc sẽ cần phải tìm ra đà tăng trưởng mới ở trong nước để đáp ứng trong bối cảnh quan hệ Mỹ-Trung Quốc đang đi xuống, điều này cũng đồng nghĩa rằng Trung Quốc không còn có thể trông chờ vào nhu cầu từ bên ngoài.
Chính phủ Mỹ đã siết chặt quy định xuất khẩu công nghệ cao sang Trung Quốc do hàng loạt vấn đề bao gồm các hoạt động kinh tế của Bắc Kinh, các cuộc đàn áp của nước này tại Hong Kong và các cáo buộc về vi phạm nhân quyền ở Tân Cương.
Ông Trương Minh cho rằng Trung Quốc cần tận dụng các nguồn lực hiệu quả hơn bằng cách kết nối chặt chẽ các thành phố để tổng hợp các nguồn lực, đồng thời ngăn chặn nguy cơ đánh mất một số ngành công nghiệp vào tay các nước đang phát triển có chi phí thấp.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn của hãng truyền thông nhà nước China News Weekly hồi tuần trước, ông khẳng định: “Các ngành này không nhất thiết phải tách ra khỏi miền Đông Trung Quốc, chúng có thể chuyển về miền Trung và miền Tây.
Tuy nhiên, do việc di chuyển rất tốn kém nên chỉ cần rời sang khu vực khác là đã giảm được chi phí... Chúng tôi đã nhận thấy một số thay đổi trong chính sách từ chính quyền trung ương để giúp bù đắp những hạn chế về dịch chuyển tài sản và vốn ở các tỉnh khác nhau.”
Theo ông Trương Minh, những trở ngại trong việc dịch chuyển vốn và tài sản ở Trung Quốc đã cản trở sự phát triển công nghiệp, vì các chính quyền địa phương luôn muốn giữ lại nguồn lực. Ông nói: “Nhiệm vụ quan trọng nhất là thay đổi cách đánh giá của các quan chức chính quyền địa phương. Lấy đồng bằng sông Dương Tử làm ví dụ, trong tương lai, đánh giá của các quan chức Giang Tô, Chiết Giang và Thượng Hải có thể xem xét coi phát triển tổng hợp làm thước đo chung.”
Các nhà phân tích cũng tin rằng Trung Quốc sẽ không hoàn toàn rời bỏ cơ sở hạ tầng và chi tiêu bất động sản như một lựa chọn để thúc đẩy nền kinh tế, bất chấp những lo ngại về nợ của Bắc Kinh.
Ngoài ra, câu hỏi liệu Trung Quốc có thể trở thành một cường quốc công nghệ hay không dường như vẫn phụ thuộc vào sự phân phối từ các chính quyền địa phương.
Li Xiaohua, Phó giáo sư làm việc tại Viện Kinh tế Công nghiệp tại CASS, cho rằng một số chính quyền địa phương có xu hướng tập trung hơn vào tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn. Họ có xu hướng tập trung nguồn lực vào các ngành công nghệ cao, nhưng điều này thường dẫn đến tình trạng dư thừa năng lực và sự phát triển tiên tiến bị biến thành các dự án chất lượng thấp.
Trong bài viết trên tạp chí People’s Tribune tuần trước, ông Li Xiaohua nhận định: “Thường có sự lựa chọn giữa (việc lập kế hoạch kinh tế) từng phần và tổng thể, ngắn hạn và dài hạn… Một số chính quyền địa phương chỉ xem xét việc xây dựng một thị trường nhỏ trong khu vực và tham gia vào vòng tròn kinh tế nhỏ của riêng họ, mà không quan tâm đến việc xây dựng một thị trường thống nhất toàn quốc và giúp đất nước phát triển”./.