Trang mạng politico.com đưa tin nếu đảng Dân chủ thành công trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào tháng 11 tới, dù chỉ là một thế đa số “mỏng manh” tại Hạ viện - như nhiều cuộc thăm dò dư luận hiện nay đang dự báo - thì những người muốn luật hóa những gì đã đạt được trong thỏa thuận mới về Hiệp định Tự do Thương mại Bắc Mỹ (NAFTA) tối 30/9 chắc chắn sẽ phải đối diện với rất nhiều thách thức.
Thỏa thuận 3 bên hoàn chỉnh có thể sẽ không bị Quốc hội do đảng Dân chủ kiểm soát phủi bỏ hoàn toàn, song cũng khó có khả năng Hiệp định Mỹ-Mexico-Canada (USMCA - tên gọi mới của NAFTA) được các nhà lập pháp thông qua dễ dàng như dự tính.
Với hàng loạt thủ tục pháp lý, một cuộc bỏ phiếu về hiệp định mới sẽ chưa thể diễn ra trước thời điểm Quốc hội nhiệm kỳ tiếp theo chính thức đi vào hoạt động, báo hiệu một năm 2019 nhiều gập ghềnh với nguy cơ đối đầu căng thẳng giữa Nhà Trắng và Đồi Capitol.
Cái lắc đầu của Thượng viện hay Hạ viện cũng sẽ xóa tan hy vọng của Tổng thống Donald Trump - ít nhất là trong một khoảng thời gian nhất định - về điều mà ông kỳ vọng là một thành tựu lớn trong chính sách thương mại.
[Cách Trump "chia rẽ" Mexico và Canada trong đàm phán NAFTA]
Bầu không khí căng thẳng trước và sau quá trình xem xét của Quốc hội Mỹ sẽ khiến giới chức chính quyền Mexico và Canada cực kỳ bất an, với lo lắng rằng Tổng thống Trump sẽ xóa sổ NAFTA cũ như là một chiến thuật gây sức ép trong cuộc đối đầu với Quốc hội.
Nguy cơ này không phải là không thể xảy ra. Một đảng Dân chủ - với quyền kiểm soát Quốc hội và không hài lòng với tổng thống - chắc chắn sẽ rất miễn cưỡng trao cho Nhà Trắng dù chỉ một thứ gì đó giống như thành công về chính sách đối ngoại, và có thể đơn giản là lựa chọn phủ nhận bất kỳ thứ gì cản đường họ.
Tối 30/9, Hạ nghị sỹ Richard Neal - thành viên hàng đầu của đảng Dân chủ tại Ủy ban Phương thức và Phương tiện Hạ viện, người dự kiến sẽ trở thành chủ tịch ủy ban này nếu đảng Dân chủ giành chiến thắng tại Hạ viện - bình luận: “NAFTA mới khó có thể nhận được sự ủng hộ một cách dễ dàng.”
Bản thân Tổng thống Trump cũng nhận thức được những rào cản chính trị mà chính quyền phải vượt qua để thúc đẩy thỏa thuận mới, và thậm chí còn thừa nhận rằng “không hoàn toàn tự tin” về việc Quốc hội sẽ thông qua nó. Ông nói: "Tất cả những gì trình lên Quốc hội đều sẽ trở thành rắc rối."
Hàng loạt yếu tố đang tác động tới suy nghĩ của giới lập pháp về việc bỏ phiếu cho NAFTA. Trong đó, việc duy trì mối quan hệ tốt đẹp với Canada và Mexico chỉ là thứ yếu, và điều quan trọng hơn mà họ tính đến là đối phó với tình hình chính trị dưới thời Trump hay phục vụ nhu cầu kinh tế của các khu vực cử tri.
Ngay cả khi các cuộc thảo luận 3 bên hoàn tất, người ta vẫn có thể tìm ra những lý do về cơ cấu để phản đối hiệp định cuối cùng.
Một ví dụ điển hình được nhắc tới là rất có thể một thành viên Quốc hội sẽ cho rằng giới chức chính quyền không tuân thủ đúng luật về quyền đàm phán nhanh trong suốt quá trình tái đàm phán NAFTA.
Quyền đàm phán nhanh cho phép một thỏa thuận mới được trình Quốc hội chỉ qua một cuộc bỏ phiếu đồng ý hoặc không, và các nhà lập pháp không thể bổ sung các sửa đổi có thể tác động tới nội dung đã được các bên đàm phán nhất trí.
Dù vậy, luật này cũng yêu cầu chính quyền của Tổng thống Trump thông báo cho giới lập pháp về tiến trình và nội dung suốt quá trình đàm phán.
Một số thành viên đảng Dân chủ đã phàn nàn rằng từ khi các cuộc đàm phán bắt đầu hồi tháng 8 năm ngoái, họ gần như bị gạt ra ngoài lề các diễn biến này.
Thực tế không phải toàn bộ các thành viên đảng Dân chủ đều tính đến chuyện phản đối NAFTA, và có một số nghị sỹ ủng hộ thương mại tự do tỏ ý sẵn sàng thúc đẩy thỏa thuận này.
Tuy nhiên, họ có thể vận dụng các quy định riêng và dùng ảnh hưởng từ lá phiếu của mình đối với ủng hộ thỏa thuận để buộc Nhà Trắng phải đưa ra những thay đổi theo hướng họ muốn.
Welles Orr, từng là trợ lý đại diện thương mại Mỹ phụ trách các vấn đề liên quan tới Quốc hội, hiện làm việc cho doanh nghiệp Miller & Chevalier, bình luận: "Họ sẽ tìm cách có được những thứ gì đó có lợi cho họ… Các thành viên đảng Dân chủ muốn sửa đổi một số thứ cụ thể,… hoặc cũng có thể là dù không muốn thay đổi thỏa thuận song họ muốn có nhiều thời gian cân nhắc về nó."
Một trong những điều mà đảng Dân chủ quan tâm nhất là tiêu chuẩn lao động và tiêu chuẩn môi trường được đề cập tới trong thỏa thuận cuối cùng. Suốt nhiều năm chính đảng này đã yêu cầu sửa đổi và củng cố các tiêu chuẩn về lao động và môi trường để chúng dễ dàng được áp dụng trong thực tế hơn.
Thủ lĩnh phe thiểu số tại Thượng viện Chuck Schumer tỏ ra khá thận trọng khi nói rằng ông có thể ủng hộ thỏa thuận mới, chừng nào nó cũng bao gồm cả các tiêu chuẩn về lao động hợp lý hơn tương tự các điều khoản mạnh mẽ trong ngành sản xuất bơ sữa.
Những phản ứng ban đầu đối với thỏa thuận mới của các liên đoàn lao động, lực lượng ủng hộ quan trọng đối với nhiều nghị sỹ Dân chủ, cho thấy họ vẫn lo ngại về nhiều nội dung hiệp định cho dù Chính quyền Trump thực sự đã đạt những tiến triển nhất định trong nhiều lĩnh vực mà họ đặc biệt quan tâm.
Chủ tịch AFL-CIO Richard Trumka, người đứng đầu liên đoàn lao động lớn nhất của Mỹ, nói: “Các điều khoản bổ sung về việc bảo vệ quyền lợi cho người lao động và giảm bớt đặc quyền của các doanh nghiệp toàn cầu là một khởi đầu tốt, song chúng tôi vẫn chưa rõ liệu thỏa thuận mới có giúp đảo ngược xu hướng việc làm hiện nay do NAFTA cũ gây ra hay không… Điều quan trọng là chúng tôi được biết cụ thể những điều khoản về luật lao động, quy định về nguồn gốc xuất xứ ôtô và mua sắm chính phủ sẽ như thế nào."
Một số thành viên khác của đảng Dân chủ cũng có chung các lo ngại. Thượng nghị sỹ Ron Wyden, thành viên Ủy ban Tài chính Thượng viện, người có khả năng sẽ lãnh đạo ủy ban này nếu “gió đổi chiều” tại Thượng viện, nói: “Phép thử quan trọng với NAFTA mới là liệu nó có khả thi, nhất là với các cam kết bảo vệ quyền lợi của người lao động và môi trường, hay không."
Giới chức chính quyền được cho là đang cân nhắc một chiến lược nhanh chóng rút khỏi NAFTA phiên bản cũ ngay khi đệ trình phiên bản mới lên Quốc hội phòng trường hợp giới lập pháp muốn cản trở thỏa thuận tái đàm phán. Chiến lược mạnh tay này sẽ buộc các nhà lập pháp phải lựa chọn giữa NAFTA mới hoặc không có thỏa thuận.
Dù chiến lược này có thể tạo áp lực với giới lập pháp song đa phần các chuyên gia về thương mại đều cho rằng nó có thể phản tác dụng. Nhiều thành viên đảng Dân chủ và Cộng hòa đã cảnh báo chính quyền không nên mạo hiểm với cân nhắc trên.
Để ngăn Nhà Trắng hiện thực hóa kế hoạch của mình, các nhà lập pháp cũng đã bắt đầu chuẩn bị các cơ sở để chính quyền không thể đơn phương ra quyết định rút khỏi NAFTA./.