Nhận thức đúng để nâng cao tỷ lệ chẩn đoán bệnh đái tháo đường

Việc tiếp cận điều trị và nâng cao nhận thức về bệnh đái tháo đường vẫn là rào cản lớn tại nhiều khu vực, đặc biệt là các nước thu nhập thấp và trung bình.
Bác sỹ lấy mẫu xét nghiệm đường huyết cho người dân. (Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN)

Đái tháo đường là căn bệnh phổ biến, song nhận thức về căn bệnh lại không theo kịp với tình hình.

Đái tháo đường là một tình trạng bệnh lý rối loạn chuyển hóa không đồng nhất, có đặc điểm tăng lượng đường huyết trong cơ thể.

Nguyên nhân thường là do nồng độ insulin trong cơ thể không ổn định (có thể thiếu thậm chí thừa).

Đường huyết cao khiến hệ thống mạch máu và thần kinh trên khắp cơ thể bị tổn thương. Dần dần, người bệnh có thể gặp các biến chứng trên mắt, tim, thận, thần kinh, bàn chân... gây mù lòa, suy thận, đoạn chi, đột quỵ, thậm chí tử vong.

Insulin là gì?

Insulin di chuyển glucose (đường) từ máu vào tế bào. Nếu quá trình đó không hoạt động bình thường thì có hai điều sẽ xảy ra. Đó là đường bị tích tụ trong máu hoặc tế bào bị thiếu năng lượng.

Cơ chế hoạt động của cơ thể là thải lượng đường dư qua nước tiểu và hút nước từ tế bào. Do đó, khi bị tiểu đường, người bệnh hay đi tiểu nhiều lần, mất nước, khát nước và mệt mỏi.

Khi lượng đường trong máu cao, kéo dài làm tổn thương mạch máu, ảnh hưởng đến các cơ quan, tứ chi, mắt và dây thần kinh.

Nhân viên y tế lấy mẫu máu để thử đường huyết cho một bệnh nhân. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Đặc biệt, cơ thể bệnh nhân thường có cảm giác bị đói và sinh ra cơ chế tự đốt cháy mỡ. Điều này tạo nên sự thèm ăn và hụt cân nhanh chóng.

Đồng thời dẫn đến sự tích tụ axit nguy hiểm trong máu. Những biểu hiện trên chủ yếu được thấy ở những bệnh nhân đang ở tiểu đường loại 1.

Đái tháo đường có mấy loại?

Dựa trên các nghiên cứu, tiểu đường có 3 loại chính:

Đái tháo đường type 1: Tuyến tụy ngừng sản xuất insulin. Khoảng 85% trường hợp mắc đái tháo đường type 1 được chẩn đoán ở những người dưới 21 tuổi. Họ có thể bình thường hoặc gầy.

Nguyên nhân mắc bệnh là do các yếu tố di truyền hoặc khả năng tự miễn dịch kém.

Đái tháo đường type 2: Cơ thể không đáp ứng với insulin. Tình trạng này thường gặp nhất ở người lớn, liên quan đến tình trạng thừa cân.

Nguyên nhân là do chế độ ăn uống, ít vận động thể thao và lối sống chưa lành mạnh.

Theo WHO, trong 3 thập kỷ qua, số ca mắc đái tháo đường type 2 tăng mạnh tại tất cả các nước bất kể thu nhập. Đái tháo đường type 2 chiếm 90% số trường hợp mắc đái tháo đường.

Bệnh tiểu đường thai kỳ: Thông thường, tình trạng này là tạm thời, ảnh hưởng từ 2-10% phụ nữ mang thai và biến mất sau khi sinh con.

Bên cạnh đó, tình trạng tiền tiểu đường là tình trạng lượng đường trong máu cao bất thường nhưng chưa đủ cao để được coi là đái tháo đường type 2.

Các triệu chứng type 1 rất sâu sắc và xảy ra nhanh chóng. Nhiều bệnh nhân đái tháo đường type 2 không biết về tình trạng của mình, điều này đang âm thầm gây ra những tổn hại.

Hiểu nguy cơ, Biết hành động

Các nghiên cứu chỉ ra rằng việc khám sàng lọc và kiểm tra thường xuyên, đặc biệt đối với những người có nguy cơ sẽ giúp phát hiện các dấu hiệu sớm, từ đó điều chỉnh lối sống kịp thời để ngăn ngừa bệnh đái tháo đường type 2, hạn chế biến chứng.

Tuy nhiên, việc tiếp cận điều trị và nâng cao nhận thức về bệnh vẫn là rào cản lớn tại nhiều khu vực, đặc biệt là các nước thu nhập thấp và trung bình.

Tỷ lệ chẩn đoán đái tháo đường thấp là do bất bình đẳng tiếp cận dịch vụ y tế, thuốc men, nguồn lực hạn chế tại khu vực nông thôn, quốc gia thu nhập thấp, hệ thống y tế hoạt động chưa hiệu quả.

Bệnh nhân tiểu đường tại Minnetonka, Minnesota, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo WHO, chỉ có 27% trong số 108 nước nghèo đăng ký tất cả các loại insulin là thuốc thiết yếu và 22% không đăng ký bất kỳ loại insulin nào.

Nhiều nước còn không đủ hạ tầng để lưu trữ thuốc cần bảo quản lạnh này, hay phụ thuộc vào duy nhất một nguồn cung, đây là nguyên nhân khiến các nước thu nhập thấp và trung bình khó tiếp cận insulin.

Tại Việt Nam, hiện có khoảng 7 triệu người mắc đái tháo đường nhưng chỉ 1/3 trong số đó được chẩn đoán phát hiện.

Đáng chú ý, trong đó hơn 55% bệnh nhân đã có biến chứng, trong đó 34% là biến chứng về tim mạch 39,5% có biến chứng về mắt và biến chứng về thần kinh, 24% biến chứng về thận.

Đái tháo đường là một trong những vấn đề cấp bách về y tế toàn cầu lớn nhất của thế kỷ 21. Đây là căn bệnh đòi hỏi điều trị lâu dài, chẩn đoán sớm để có thể phòng ngừa biến chứng, từ đó giảm gánh nặng cho người bệnh và ngành y tế./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục