'Nhận thức của các cấp, ngành và toàn xã hội về văn hóa ngày càng sâu sắc'

Theo Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, quan điểm “văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội” ngày càng được lan tỏa trong xã hội.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và chủ trì Hội nghị. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Ngày 18/12, tại trụ sở Văn phòng Chính phủ (Hà Nội), Hội nghị Tổng kết năm 2024, triển khai nhiệm vụ trọng tâm 2025 của ngành văn hóa, thể thao và du lịch đã diễn ra với chủ đề "Xây dựng nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc - Động lực phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam."

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và chủ trì Hội nghị.

Hội nghị được kết nối trực tuyến tới 3 điểm cầu của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và 772 điểm cầu trên cả nước, với sự tham gia của gần 16.000 đại biểu.

Trong Báo cáo tổng kết năm 2024, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng khẳng định năm 2024 là năm có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và các Nghị quyết của Quốc hội, của Chính phủ với nhiều thuận lợi và thách thức đan xen.

Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng báo cáo tổng kết năm 2024 của ngành. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Trước bối cảnh đó, ngành văn hóa, thể thao và du lịch đã xác định chủ đề công tác năm “Chủ động-Tăng tốc-Về đích,” luôn quán triệt, thực hiện nghiêm Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ; 8 phương hướng và nhiệm vụ trọng tâm Thủ tướng Chính phủ đã kết luận chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết ngành văn hóa, thể thao và du lịch năm 2023; cùng với tinh thần nghiêm túc và cầu thị, không tự mãn trước những kết quả đạt được, không chủ quan, lơ là trước những khó khăn, thách thức; vì vậy mà toàn ngành đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, có một số mặt công tác đạt kết quả tích cực, sản phẩm công tác đo lường được, có nhiều điểm sáng, điểm nhấn nổi trội.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định có được những thành tựu nổi bật đó là nhờ có sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Đảng và Nhà nước mà trực tiếp, thường xuyên là Thủ tướng Chính phủ, sự ủng hộ, phối hợp chặt chẽ của các ban, bộ, ngành, các địa phương trong cả nước.

Cụm từ “văn hóa” đã thường trực xuất hiện trên các văn bản quy phạm pháp luật, cũng như trong lãnh đạo, chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo chủ chốt. Từ đó, nhận thức của các cấp, các ngành và xã hội ngày càng sâu sắc hơn về vị trí vai trò của văn hóa, quan điểm “văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội” ngày càng được lan tỏa. Bộ và toàn Ngành đã hoàn thành khối lượng công việc lớn, hiệu quả cao, với nhiều điểm sáng.

Các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Năm 2024, toàn ngành đã quán triệt và triển khai kịp thời các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội; với phương châm “Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tăng tốc sáng tạo, hiệu quả bền vững,” “không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm,” “đã nói là làm, đã cam kết là phải thực hiện; đã làm, đã thực hiện là phải có hiệu quả,” “Đảng đã chỉ đạo, Chính phủ đã thống nhất, Quốc hội đồng tình, chỉ bàn làm, không bàn lùi,” bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, căn cứ tình hình thực tiễn, ngành văn hóa, thể thao và du lịch đã tích cực, chủ động triển khai nhiệm vụ với chủ đề công tác năm: “Tận tụy-Chuyên nghiệp-Tinh thông-Hiện đại-Đoàn kết-Kỷ cương-Tăng tốc về đích.”

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực của toàn ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, góp phần cùng cả nước vượt qua khó khăn, thách thức, hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội đề ra.

Đại biểu theo dõi tham luận từ các địa phương. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Thủ tướng đề nghị ngành văn hóa, thể thao và du lịch cả nước cần phát huy hơn nữa vai trò nòng cốt trong sự nghiệp “Chấn hưng văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới,” tiếp tục triển khai hiệu quả các nhiệm vụ và giải pháp nhằm xây dựng, giữ gìn và phát huy những giá trị đặc sắc của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Tập trung các giải pháp nhằm hoàn thiện thể chế, chính sách, cải cách thủ tục hành chính, tăng cường thu hút đầu tư và sử dụng hiệu quả nguồn lực phát triển văn hóa, thể thao, du lịch; ưu tiên nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng đồng bộ tạo động lực phát triển ngành du lịch.

Nghiên cứu cơ chế chính sách đặc thù đào tạo nguồn nhân lực ngành văn hóa, đào tạo nhân tố nghệ thuật, thể thao chuyên nghiệp.

Xây dựng các điển hình tiên tiến, cách làm hay, mô hình tiêu biểu để tạo xu hướng, khuyến khích sự phát triển của ngành văn hóa, thể thao và du lịch.

Huy động sức mạnh từ các nguồn lực để phát triển văn hóa, công nghiệp văn hóa có trọng tâm, trọng điểm, đúng định hướng; không ngừng đổi mới tư duy, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ, tạo sự tăng tốc, bứt phá của ngành trong năm 2025./.

Theo Báo cáo tổng kết năm 2024, ở lĩnh vực văn hóa, năm 2024 đánh dấu sự chuyển biến về công nghiệp văn hóa từ chính sách đến thực tiễn. Công nghiệp văn hóa đang trở thành xu hướng và được xác định là phần quan trọng, bền vững, đóng góp vào sự tăng trưởng của đất nước; các cơ chế chính sách liên quan đến thúc đẩy sáng tạo tiếp tục được hoàn thiện; công tác tổ chức thi hành pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan có tiến bộ.

Thể thao Việt Nam tham dự các Đại hội thể thao quốc tế để lại nhiều dấu ấn tích cực, đã giành được tổng số 1.214 huy chương quốc tế (trong đó 482 huy chương vàng, 360 huy chương bạc, 372 huy chương đồng).

Du lịch Việt Nam tính tới thời điểm này đã đạt 17,5 triệu lượt khách quốc tế, tăng 38,9% so với cùng kỳ năm 2023; khách nội địa ước đạt 110 triệu lượt, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt khoảng 840 nghìn tỷ đồng, tăng 23,8% so với cùng kỳ năm 2023.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội: Thông qua Luật Di sản văn hóa; Phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hoá giai đoạn 2025-2035; cho ý kiến lần đầu đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo; trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt: Chiến lược phát triển thể dục thể thao đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2045 và Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045...

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục