Ngay sau khi Quốc hội khóa XIV kiện toàn các chức danh lãnh đạo cao nhất của nhà nước tại kỳ họp lần thứ 11, phóng viên TTXVN tại Đức đã có các cuộc trao đổi, ghi nhận những ý kiến đánh giá của một số nhân sỹ, trí thức trong cộng đồng người Việt tại Đức về những thành tựu của Việt Nam trong thời gian qua và những kỳ vọng về một chính phủ mới.
Giáo sư Nguyễn Văn Thoại tại Đại học Trier cho rằng trong suốt thời gian qua, chính sách đổi mới của Đảng Cộng sản Việt Nam đã mang lại nhiều đổi thay to lớn cho đất nước, cả về đối nội và đối ngoại; đời sống nhân dân không ngừng được nâng cao; vị thế, vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng tăng.
Đặc biệt, những thành tựu mà Việt Nam đã đạt được trong phát triển kinh tế và kiểm soát đại dịch COVID-19 trong giai đoạn cực kỳ khó khăn hiện nay đã gây được ấn tượng mạnh và được thế giới đánh giá rất cao.
Đồng quan điểm, tiến sỹ Nguyễn Việt Anh - Phó Chủ tịch Diễn đàn Đổi mới sáng tạo và Kinh tế Đức-Việt (DVIW), Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam tại Đức, cũng cho rằng Việt Nam đang là quốc gia đi đầu trong việc thực hiện mục tiêu kép: chống đại dịch COVID-19 và phát triển kinh tế.
Với nhiều thành công trong cuộc chiến chống đại dịch, Việt Nam giành được cảm tình và sự đánh giá cao từ bạn bè quốc tế.
Theo tiến sỹ Việt Anh, thời gian qua, Chính phủ kiến tạo của Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu kinh tế to lớn với một loạt quyết sách quan trọng như cho phép giảm thuế, chậm nộp thuế, giảm bớt các quy định hành chính, dỡ bỏ rào cản đối với các nhà đầu tư quốc tế, đẩy mạnh phát triển kinh tế số và luôn coi đổi mới sáng tạo, khoa học kỹ thuật là vấn đề trọng tâm.
Tiến sỹ Việt Anh tin tưởng với nền tảng nội lực tốt và độ mở cao của nền kinh tế, đi đôi với việc thực hiện tốt Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2021-2030 của Đảng cùng kinh nghiệm, sự quyết tâm của Chính phủ, Việt Nam sẽ tiếp tục thành công trong việc đẩy lùi đại dịch COVID-19, giữ ổn định chính trị và đưa nền kinh tế phát triển hơn nữa.
Đề cập mối quan hệ kinh tế giữa Việt Nam với Đức nói riêng và Liên minh châu Âu (EU) nói chung trong thời gian qua, tiến sỹ Việt Anh cho rằng mối quan hệ này đang ở mức độ rất tốt đẹp.
Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA) đã chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2020, trong khi Hiệp định Bảo hộ đầu tư song phương (EVIPA) cũng đang có nhiều chuyển biến tích cực.
Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Đức trong các nước ASEAN và đứng thứ 5 tại châu Á. Đức đang là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại châu Âu với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu trên 13 tỷ euro.
Ngoài ra, Việt Nam và Đức cũng như các quốc gia khác trong EU đã phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ nhau trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 và hợp tác trong nhiều lĩnh vực.
Tiến sỹ Việt Anh nhấn mạnh: "Trong vòng một thập kỷ trở lại đây, Việt Nam và Đức đã có nhiều thành công trong các lĩnh vực hợp tác như khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, năng lượng tái tạo và môi trường, chống biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, hai bên vẫn chưa khai thác hết tiềm năng to lớn. Tôi hy vọng và rất vui mừng khi chứng kiến hai chính phủ tiếp tục đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực này, đặc biệt đối với các công nghệ mới trong lĩnh vực năng lượng gió ngoài khơi, năng lượng Mặt Trời và công nghệ năng lượng khí hydro xanh. Đức là một trong những quốc gia đi đầu trong các lĩnh vực này. Việt Nam với bờ biển dài trên 3.000km, với vị trí địa lý, điều kiện khí hậu, nắng và gió tốt nên có tiềm năng cao trong việc phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, xanh sạch bảo vệ môi trường."
Đánh giá về vai trò của chính phủ mới trong quan hệ với ASEAN và thực thi các sứ mệnh quốc tế cũng như kết nối liên khu vực ASEAN-EU, tiến sỹ Việt Anh cho rằng Việt Nam hiện là một trong những đầu tàu của khối ASEAN.
Với thế mạnh về năng lượng tái tạo cùng với chiến lược phát triển xanh bền vững, Việt Nam đang dần chứng tỏ vị trí quan trọng trong việc chống biến đổi khí hậu toàn cầu tại khu vực.
Cũng theo tiến sỹ Việt Anh, việc Việt Nam đang đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liệp hợp quốc tháng 4/2021 "chắc chắn sẽ tạo những ảnh hưởng tốt đẹp trong việc giữ gìn hòa bình tại khu vực Biển Đông, ASEAN và các khu vực khác trên toàn thế giới."
[Học giả Đức đánh giá cao thành tựu của VN, kỳ vọng vào chính phủ mới]
Theo ông, điều đó khẳng định vị thế nhưng cũng tạo ra áp lực lớn đối với chính phủ mới của Việt Nam trong việc dẫn dắt khối ASEAN cũng như trong giữ vững an ninh khu vực Biên Đông, đặc biệt trong bối cảnh mối quan hệ quốc tế đang diễn biến phức tạp.
Nhận định về người đứng đầu Chính phủ vừa được Quốc hội bầu chọn, giáo sư Nguyễn Văn Thoại cho rằng tân Thủ tướng Phạm Minh Chính là người từng được đào tạo tại châu Âu, đã kinh qua nhiều lĩnh vực và vị trí công tác khác nhau, với tài năng, kinh nghiệm và tính cách quyết đoán, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, chắc chắn sẽ có những quyết sách phù hợp để đưa đất nước tiếp tục tiến lên, đồng thời kiên quyết đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền của đất nước.
Tiến sỹ Việt Anh cũng cùng quan điểm khi cho rằng Thủ tướng Phạm Minh Chính đã trải qua nhiều vị trí lãnh đạo quan trọng từ trung ương tới địa phương, có kinh nghiệm trong nhiều lĩnh vực khác nhau.
Đặc biệt, trong thời gian giữ cương vị Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh, ông đã có nhiều đóng góp quan trọng, giúp kinh tế địa phương phát triển nhanh và bền vững, trở thành đầu tầu của cả nước về kinh tế và du lịch.
Theo tiến sỹ Việt Anh, với sự quyết đoán, tinh thần đổi mới sáng tạo của Thủ tướng và Chính phủ Việt Nam, mối quan hệ kinh tế, thương mại song phương giữa Việt Nam với Đức nói riêng, EU nói chung sẽ phát triển vượt bậc.
Về những kỳ vọng của kiều bào ở Đức đối với chính phủ mới, cả giáo sư Nguyễn Văn Thoại và tiến sỹ Nguyễn Việt Anh đều cho rằng kiều bào tin tưởng Đảng và Nhà nước ta tiếp tục đề ra đường lối lãnh đạo sáng suốt để đưa đất nước ngày càng phát triển; đồng thời củng cố, phát huy và xây dựng mối quan hệ bền chặt giữa Việt Nam và bạn bè quốc tế, đặc biệt là Đức và châu Âu.
Ngoài ra, chính phủ mới cần đề ra các chính sách để tạo thuận lợi cho việc đầu tư và kết nối của các doanh nghiệp, chuyên gia Việt, gốc Việt tại Đức với quê hương Việt Nam./.