Nhân rộng những bông hoa “Giỏi việc nước-Đảm việc nhà”

Nhiều cá nhân tiêu biểu trong phong trào “Giỏi việc nước-Đảm việc nhà” của Thủ đô góp phần xây dựng gia đình và xã hội tiến bộ và hạnh phúc.
Nhân rộng những bông hoa “Giỏi việc nước-Đảm việc nhà” ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Những năm gần đây, phong trào “Giỏi việc nước-Đảm việc nhà” trong nữ công nhân viên chức lao động Thủ đô đã góp phần thiết thực xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ và hạnh phúc. Do điều kiện, hoàn cảnh nên mỗi chị “giỏi” và “đảm” ở các cung bậc khác nhau.

Các chị em đều đã và đang miệt mài cống hiến cho sự lớn mạnh và phát triển của đơn vị, thành phố và xây dựng tổ ấm cho mỗi gia đình.

Thông qua việc triển khai thực hiện phong trào này đã xuất hiện nhiều cá nhân tiêu biểu được công nhận các danh hiệu: “Phụ nữ Thủ đô tiêu biểu,, “Tài năng sáng tạo nữ,” “Chiến sỹ thi đua,” “Công nhân giỏi,” “Sáng kiến sáng tạo Thủ đô”…

Riêng năm 2015 đã có 37/125 công nhân giỏi là lao động nữ; 35/151 sáng kiến, sáng tạo cấp thành phố do nữ đảm nhận. Đặc biệt đã có 5 tập thể, 5 cá nhân được Thành hội Phụ nữ Hà Nội tặng bằng khen vì những thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước; 01 nữ công nhân tiêu biểu được xét tặng danh hiệu “Phụ nữ Thủ đô tiêu biểu” năm 2015; 08 tập thể và cá nhân được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng Cờ thi đua, bằng khen.

Ở lĩnh vực giáo dục, đội ngũ nữ nhà giáo đã không ngừng học tập nâng cao trình độ chuyên môn, đổi mới phương pháp, sử dụng công nghệ thông tin trong quản lý và giảng dạy. Tỷ lệ nữ giáo viên đạt giải cao trong các kỳ thi dạy giỏi cấp quận, huyện, thành phố ngày càng cao.

Đáng chú ý, phong trào thi đua được cụ thể hóa thành “Giỏi việc trường, đảm việc nhà” gắn với thi đua “Dạy tốt, học tốt,” “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, “Cô giáo tài năng duyên dáng”...

Điển hình là chị Nguyễn Thị Thanh, Trường Cao đẳng Thương mại Du lịch Hà Nội; chị Đỗ Thị Hường, giáo viên Trường trung học phổ thông Bắc Thăng Long; Nguyễn Thị Chín, giáo viên Trường trung học phổ thông Trần Hưng Đạo (Hà Đông).

Trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học phải kể đến những tấm gương luôn miệt mài tự trang bị cho mình những kiến thức khoa học để đáp ứng yêu cầu công việc, ứng dụng khoa học vào thực tiễn như Tiến sỹ Ngô Thị Kim Dung, Hiệu phó, Chủ tịch Công đoàn Trường Đại học kiến Trúc Hà Nội; tiến sỹ Phùng Lan Hương, Giám đốc kiêm Tổng Biên tập Nhà xuất bản Bách Khoa Hà Nội; Thạc sỹ Hoàng Thị Hòa, Giám đốc, Chủ tịch Công đoàn Trung tâm giống cây trồng Hà Nội…

Chiếm lực lượng đông nhất trong tổng số nữ công nhân viên chức lao động toàn thành phố là những phụ nữ trực tiếp sản xuất trong các doanh nghiệp. Phần lớn các chị là người tỉnh xa, gặp rất nhiều khó khăn về nhà ở, nơi gửi trẻ, cả vật chất và tinh thần, nhưng các chị đã nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành tốt công việc của mình.

Chị Trần Ngọc Lan, công nhân Công ty Trách nhiệm hữu hạn Vina Korea, cho biết ngày làm việc 8 giờ, tăng ca 2 giờ được 24.000 đồng; công việc khá áp lực vì việc khoán theo dây chuyền nên thời gian dành cho gia đình rất ít ỏi.

Tuy vậy, bám sát mục tiêu thi đua “Năng suất, chất lượng, hiệu quả”, các chị đã cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, làm thêm ca, thêm giờ để hoàn thành các hợp đồng kinh tế của đơn vị. Điển hình phải kể đến các chị Nguyễn Thị Bích Huệ, công nhân Công ty Trách nhiệm hữu hạn điện tử ASTI Hà Nội; Đỗ Thị Thu Hoài, công nhân Công ty Trách nhiệm hữu hạn linh kiện điện tử SEI Việt Nam; Đàm Thị Kim Dung, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Canon…

Đi đôi với việc phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ cơ quan, đơn vị giao phó, nữ cán bộ, công nhân lao động Thủ đô luôn làm tròn nghĩa vụ, trách nhiệm của người con, người vợ, người mẹ trong mỗi gia đình. Nhiều chị đã thực sự tạo được sự công bằng và bình đẳng ngay trong những công việc đơn giản thường nhật của gia đình như phân công lao động hợp lý, tạo thói quen cho chồng, con biết chia sẻ công việc gia đình, cùng có trách nhiệm chăm lo xây dựng, gìn giữ và bảo vệ hạnh phúc gia đình.

Đáng biểu dương là những gia đình giữ được nét đẹp truyền thống, có nhiều thế hệ cùng chung sống hạnh phúc, yêu thương đùm bọc lẫn nhau. Nhiều chị kém may mắn, có hoàn cảnh éo le, chồng ốm đau bệnh tật hoặc không may qua đời, không có người cùng gánh vác trách nhiệm và công việc gia đình, nhưng các chị luôn vững vàng vượt lên số phận vừa làm mẹ vừa làm cha, tự tổ chức cuộc sống gia đình.

Chị Bùi Thị Minh Nguyệt (Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Đan Phượng) chia sẻ thu nhập gia đình ít ỏi cộng thêm quỹ thời gian hạn hẹp nên việc thu xếp cuộc sống, nuôi 2 con tuổi ăn học đối với gia đình chị khá vất vả.

Nhờ sự cảm thông, san sẻ của chồng, chị mới có thể hoàn thành tốt công việc và có thời gian chăm lo, rèn các con học tập. Hạnh phúc với chị là hai cháu đều đạt học sinh giỏi, là cháu ngoan Bác Hồ nhiều năm liền. Hay các chị Nguyễn Thị Hiền, Phó Hiệu trưởng trường Tiểu học Dương Xá, Gia Lâm; Dương Thị Mai Hương, Phó phòng kỹ thuật, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Nước sạch Hà Nội; Trương Thị Nguyệt Anh, giáo viên trường mầm non Hoa Hồng, Cầu Giấy; Nguyễn Thị Bích Diệp, giáo viên trường tiểu học Tân Mai, Hoàng Mai; Nguyễn Thị Thúy Huệ, giáo viên trường tiểu học Hồng Kỳ, Sóc Sơn.. . đều là những tấm gương điển hình trong công tác, nuôi dạy các con chăm ngoan, học giỏi, thành đạt.

Ghi nhận những thành tích đạt được của nữ công nhân viên chức lao động thành phố, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động Hà Nội Đặng Thị Phương Hoa nêu rõ, phong trào thi đua “Giỏi việc nước-Đảm việc nhà” đã có tác động mạnh mẽ trong việc xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ nữ công nhân viên chức lao động, khơi dậy nội lực, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, lao động nữ đối với sự tiến bộ, phát triển của bản thân, gia đình và cộng đồng.

Thông qua đó, chị em tự khẳng định mình, tổ chức công đoàn thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho lao động nữ.

Tuy nhiên, theo đánh giá của tổ chức Công đoàn Hà Nội, phong trào này phát triển vẫn chưa đồng đều, chưa đến được với đông đảo nữ lao động ở các doanh nghiệp ngoài nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Một số nơi triển khai còn mang tính hình thức, chưa có sức lôi cuốn.

Do vậy, năm 2016, các cấp công đoàn cần tăng cường các hoạt động tuyên truyền giáo dục về chính sách, pháp luật lao động, bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình, giáo dục phẩm chất đạo đức người phụ nữ Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Đặc biệt, Công đoàn sẽ chú trọng phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách lao động nữ, tạo điều kiện thuận lợi cho chị em được học tập nâng cao trình độ mọi mặt, được chăm sóc sức khỏe và nâng cao đời sống tinh thần./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục