Sáng 8/5, tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị tổng kết chương trình hỗ trợ chính sách ngành y tế.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho hay, trong những năm qua Liên minh châu Âu (EU) góp phần giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu phát triển trong lĩnh vực y tế, đặc biệt trong việc bảo vệ và nâng cao chất lượng sức khỏe của bà mẹ và trẻ em.
[Chống tan máu bẩm sinh: Mấu chốt là xét nghiệm tiền hôn nhân]
EU đã đồng hành cùng Việt Nam trong lĩnh vực sức khỏe trong hơn 20 năm với tổng kinh phí tài trợ 3.500 tỷ đồng. Trong đó, hỗ trợ chính sách ngành y tế là chương trình hỗ trợ lớn nhất của EU tại châu Á. Chương trình này kéo dài 9 năm gồm 2 giai đoạn, tập trung hỗ trợ cho các tỉnh và huyện lỵ nghèo và khó khăn nhất của Việt Nam, đây cũng chính là những địa phương tập trung nhiều đồng bào dân tộc thiểu số.
Chương trình nhằm tăng cường độ bao phủ thẻ bảo hiểm y tế, đào tạo các cán bộ y tế (gồm bác sỹ, y tá, hộ sinh và cô đỡ thôn bản), sửa chữa nâng cấp bệnh viện và các trạm y tế xã, cung cấp các thiết bị y tế cơ bản, chuẩn hóa các tài liệu hướng dẫn dịch vụ lâm sàng, và cải thiện quản lý chất lượng bệnh viện.
Tổng kết cho thấy, chương trình đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong công tác chăm sóc sức khỏe người dân, góp phần đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.
Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến nhấn mạnh: “Những hỗ trợ quý báu của EU đã tạo điều kiện thuận lợi để ngành y tế thực hiện các mục tiêu chiến lược ngành về phát triển bền vững, thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân, cải thiện năng lực đảm bảo chất lượng dịch vụ ở tất cả các tuyến, xây dựng chính sách và kế hoạch hành động ngành y tế giai đoạn 2016 - 2020. Chúng tôi hy vọng EU sẽ tiếp tục hỗ trợ ngành y tế Việt Nam.”
Phát biểu tại hội nghị, ông Bruno Angelet, Đại sứ Liên minh châu Âu tại Việt Nam cho biết: “Cùng nhìn lại chặng đường đồng hành 20 năm và kết quả những năm qua cho thấy, Bộ Y tế, các sở y tế và giám đốc các cơ sở y tế tiếp tục cam kết mạnh mẽ cải thiện chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe và coi đó là mục tiêu cốt lõi của công cuộc cải tổ ngành y tế.”
Trong 20 năm qua, với hỗ trợ của EU, ngành y tế đã triển khai nhiều can thiệp nâng cao chất lượng dịch vụ như: xây dựng và cải tạo hàng trăm trạm y tế xã, nâng cấp và cung cấp thiết bị cho các cơ sở y tế, chuyển giao kỹ thuật và đào tạo nâng cao năng lực cán bộ y tế các cấp theo các hình thức khác nhau như mô hình đào tạo liên tục và mô hình bệnh viện vệ tinh.
EU cũng hỗ trợ ngành y tế thành lập các đơn vị chăm sóc tích cực sơ sinh trong các bệnh viện tuyến huyện, đào tạo hộ sinh là đồng bào dân tộc thiểu số tại các làng bản hẻo lánh, hỗ trợ xây dựng cơ chế bảo hiểm y tế và áp dụng các phương thức chi trả mới… Các can thiệp này có vai trò tích cực trong việc cải tiến các cơ chế tài chính, mô hình và chất lượng dịch vụ của hệ thống chăm sóc sức khỏe từ trung ương tới địa phương, nhất là y tế tuyến cơ sở...
Theo các chuyên gia, các mô hình của EU hỗ trợ triển khai trong thời gian qua là hiệu quả và cần được nhân rộng./.