Hiện nay, nguồn nhân lực của ngành tài nguyên và môi trường còn nhiều bất cập cả về số lượng, chất lượng, độ tuổi và cơ cấu nghề. Ở Trung ương, một số lĩnh vực đang thiếu đội ngũ công chức, viên chức có trình độ cao, chuyên môn sâu; trong khi ở địa phương, phần lớn nhân lực cho các lĩnh vực quan trọng của ngành còn thiếu về số lượng, yếu về chất lượng và thiếu kỹ năng quản lý.
Trên đây chỉ là một trong nhiều bất cập về nguồn nhân lực của ngành tài nguyên và môi trường vừa được Thứ trưởng Nguyễn Thái Lai đưa ra tại Hội nghị “Mạng lưới các cơ sở đào tạo ngành, chuyên ngành tài nguyên và môi trường” do Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức ngày 6/11, tại Hà Nội.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thái Lai, tài nguyên và môi trường là một ngành đa lĩnh vực mới được hình thành trên cơ sở hợp nhất nhiều lĩnh vực quản lý nhà nước. Trong đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường được giao quản lý 8 lĩnh vực chuyên ngành (đất đai, tài nguyên nước, địa chất-khoáng sản, môi trường, khí tượng thủy văn, biến đổi khí hậu, đo đạc và bản đồ, quản lý tổng hợp và thống nhất về biển và hải đảo...).
Để quản lý hiệu quả các lĩnh vực trên, theo Thứ trưởng Nguyễn Thái Lai, việc kiện toàn và nâng cao năng lực cán bộ cho toàn ngành từ Trung ương đến cơ sở được xem là một trong những yếu tố then chốt của ngành trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, đội ngũ công chức, viên chức của ngành còn nhiều bất cập. Đặc biệt là phần lớn công chức, viên chức được đào tạo về các chuyên ngành kỹ thuật, thiếu kỹ năng quản lý.
Bên cạnh đó “công tác đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực các lĩnh vực tài nguyên và môi trường cũng còn nhiều bất cập. Trong khi, chính sách thu hút học sinh, sinh viên học tập một số chuyên ngành môi trường còn chưa được quan tâm xây dựng, nhất là một số ngành khó như khí tượng thủy văn, đo đạc, bản đồ...,” Thứ trưởng Nguyễn Thái Lai nói.
Thẳng thắn báo cáo về nguồn nhân lực của ngành, ông Tạ Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, những năm qua, hệ thống tổ chức bộ máy của ngành đã liên tục được kiện toàn, củng cố và tăng cường nhân lực từ Trung ương đến địa phương. Tuy nhiên, phần lớn đội ngũ tại các địa phương vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của công tác quản lý ngành do có sự mất cân đối về cơ cấu ngành nghề, hạn chế chuyên môn, nghiệp vụ.
Trong khi đó, “số công chức, viên chức, chuyên gia được đào tạo trình độ cao ở các nước tiên tiến trên thế giới trước đây, nay đã nghỉ hưu hoặc chuẩn bị nghỉ hưu và hiện nay chưa có đội ngũ chuẩn bị thay thế. Trong khi, công tác đào tạo, bồi dưỡng nhân lực ngành tài nguyên và môi trường còn bất cập; chính sách thu hút học sinh, sinh viên chuyên ngành chưa được chú trọng, dẫn tới tình trạng đào tạo tràn lan,” ông Thi nêu thực tế.
Chia sẻ về công tác đào tạo, phó giáo sư tiến sỹ khoa học Vũ Hoàng Linh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, trước thời điểm tham gia Đề án thí điểm về cơ chế tài chính nâng cao chất lượng đào tạo của một số ngành khoa học cơ bản từ năm 2012, việc tuyển sinh của nhiều ngành thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường tương đối khó khăn, thể hiện qua điểm chuẩn đầu vào và quy mô tuyển sinh tương đối thấp.
Đặc biệt là, "vấn đề tuyển sinh đối với những sinh viên giỏi, có xác định theo ngành tài nguyên môi trường thời gian qua còn hạn chế. Nhiều em vào học nhưng thực tế vẫn không xác định được ngành học, vì không đủ điểm vào trường đăng ký ban đầu nên mới nộp hồ sơ vào trường,” ông Linh nói thêm.
Đến dự và chia sẻ tại Hội nghị, ông Lê Trọng Hùng, Vụ trưởng Vụ Khoa học - Công nghệ và Môi trường (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho rằng, nhiệm vụ đào tạo đội ngũ cán bộ và bồi dưỡng đội ngũ giáo viên về lĩnh vực tài nguyên và môi trường đã đáp ứng phần nào nhu cầu bảo vệ môi trường của xã hội và yêu cầu giảng dạy về giáo dục bảo vệ môi trường trong hệ thống giáo dục quốc dân.
“Tuy nhiên, kinh phí dành cho công tác đào tạo lĩnh vực tài nguyên và môi trường hiện nay còn hạn hẹp. Năng lực chuyên sâu của các giáo viên chuyên về tài nguyên môi trường cũng cần được nâng cao. Vì thế, Bộ Giáo dục kiến nghị Bộ tài nguyên và Môi trường hỗ trợ kinh phí để phục vụ tốt cho công tác đào tạo nhân tài theo lĩnh vực tài nguyên và môi trường,” ông Hùng nói./.
Theo số liệu thống kê của Bộ Tài nguyên Môi trường, hiện nay, cả nước có khoảng 80 trường đại học, cao đẳng đào tạo các ngành, chuyên ngành tài nguyên và môi trường (chiếm khoảng 18,69%). Trong số các cơ sở này, có khoảng 20 cơ sở có khoa, viện và trung tâm nghiên cứu; 60 cơ sở chỉ mở một số chuyên ngành đào tạo tài nguyên và môi trường như: Địa chất, khoáng sản, trắc địa, bản đồ, quản lý đất đai, viễn thám...Về quy mô đào tạo, các trường hiện đang đào tạo với lưu lượng trung bình khoảng 9.000 sinh viên/năm. Tuy nhiên, quy mô đào tạo giữa các ngành chưa cân đối, một số lĩnh vực còn thiếu ngành đào tạo như lĩnh vực biển và hải đạo, biến đổi khí hậu, quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên.