Nhân lực chất lượng cao - yếu tố quan trọng để ĐBSCL bứt phá

Tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, nguồn nhân lực khá dồi dào, nhanh nhạy, song lại có điểm yếu là lực lượng lao động đang bị già hóa, lao động trẻ có xu hướng di cư sang khu vực khác.
Công nhân sản xuất linh kiện điện tử. (Ảnh minh họa: Phạm Kiên/TTXVN)

Nằm ở phía Nam đất nước, Đồng bằng sông Cửu Long là vùng châu thổ được đánh giá có rất nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế-xã hội. Nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao, được xem là yếu tố quan trọng tạo đà cho những phát triển bứt phá của vùng trong thời gian tới.

Nhiều thách thức về nguồn nhân lực

Tại Báo cáo kinh tế thường niên Đồng bằng sông Cửu Long năm 2020 (được thực hiện dưới sự chủ trì, điều phối của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và chịu trách nhiệm chuyên môn của Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright, Đại học Fulbright Việt Nam), các chuyên gia kinh tế, chính sách nhận định nhân lực là nguồn lực quan trọng mang tính quyết định cao đối với năng lực cạnh tranh của một tổ chức, một khu vực hoặc một quốc gia.

Tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, nguồn nhân lực khá dồi dào, nhanh nhạy, sẵn sàng tiếp cận nhận các cơ hội việc làm song lại có điểm yếu là lực lượng lao động đang bị già hóa, lao động trẻ có xu hướng di cư sang khu vực khác.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng nhấn mạnh giáo dục đại học-cao đẳng có vai trò giúp cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao, hệ thống trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề giúp đào tạo nguồn lao động kỹ thuật lành nghề, góp phần phát triển các ngành kinh tế ở địa phương.

Hiện nay, ở Đồng bằng sông Cửu Long đã hình thành nhiều trường đại học lớn như Đại học Cần Thơ, Đại học Trà Vinh, Đại học Đồng Tháp... - những cơ sở đào tạo có uy tín về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng và đóng góp nhiều nghiên cứu có giá trị cho quá trình phát triển khu vực.

Tuy nhiên, đa phần nguồn nhân lực chất lượng cao được đào tạo đã ít lại có khuynh hướng di cư về các địa phương ngoài vùng như miền Đông Nam Bộ, nơi có cơ hội việc làm và thăng tiến cao hơn.

Vấn đề này được lý giải là một trong những hệ quả của việc nền kinh tế phát triển không đủ mạnh, chưa tạo đủ cơ hội lao động cho nguồn nhân lực. Tức là, cho dù có đào tạo được lực lượng lao động chất lượng cao, nguồn lực này sẽ di cư sang khu vực khác có nhiều cơ hội hơn.

Ngược lại, việc không có sẵn nguồn nhân lực chất lượng cao sẽ không tạo tiền đề phát triển nền kinh tế khu vực, thu hút nguồn vốn đầu tư và các doanh nghiệp lớn đặt cơ sở tại đây. Tình trạng thiếu nhân lực phần nào thể hiện qua tình trạng xuất cư, di cư của người từ đồng bằng tới các thành phố, địa phương như Thành phố Hồ Chí Minh và miền Đông Nam Bộ.

Hiện nay, so với các vùng khác trong cả nước, Đồng bằng sông Cửu Long có tỷ lệ nhập cư thấp nhất và tỷ lệ xuất cư cao nhất. Đây cũng là vùng duy nhất trong cả nước có tốc độ tăng trưởng dân số là 0% trong giai đoạn 2009-2019.

Thiếu nhân lực, khó tuyển lao động, nhất là nhân lực chất lượng cao, là thực trạng đang diễn ra tại khá nhiều địa phương, đơn vị trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Đơn cử, theo đại diện lãnh đạo Công viên phần mềm Mekong (đóng tại xã Tân Mỹ Chánh, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang), đơn vị có nhiệm vụ cung cấp hạ tầng cho phát triển công nghiệp công nghệ thông tin, phát triển các sản phẩm, ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ chính quyền và người dân tỉnh Tiền Giang cũng như các tỉnh, thành trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Vì vậy, đơn vị có nhu cầu tuyển dụng các kỹ sư công nghệ thông tin có năng lực, yêu nghề và gắn bó lâu dài.

Để thu hút nhân lực, thời gian qua, đơn vị có rất nhiều chính sách ưu đãi như mức lương cao, tạo điều kiện bố trí nhà ở nhưng vẫn chưa thể khắc phục được khó khăn trong việc tuyển dụng và “giữ chân” nhân lực chất lượng cao ngành công nghệ thông tin.

Tạo đột phá

Xác định tầm quan trọng của việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, góp phần phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long, nhiều địa phương trong khu vực đã chọn một trong những chương trình đột phá cho giai đoạn 2020-2025 là đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển của địa phương cũng như toàn khu vực.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong, giai đoạn 2020-2025, tỉnh triển khai 5 khâu đột phá chiến lược. Một trong những khâu đột phá được xác định là tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển trong điều kiện tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế.

Tỉnh nâng cao chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục, nhất là chất lượng đào tạo tại Trường Cao đẳng Cộng đồng, Trường Cao đẳng Y tế Đồng Tháp; liên kết với các trường đại học để đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; quan tâm đào tạo chuyển giao công nghệ và kiến thức quản lý kinh tế cho nông dân.

[Người dân Đồng bằng sông Cửu Long kỳ vọng vào Đại hội XIII của Đảng]

Trong khi đó, Bí thư Tỉnh ủy Long An Nguyễn Văn Được cho biết Long An đặt mục tiêu đến năm 2025 giữ vững vị trí dẫn đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long, phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển khá trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Vì vậy, tỉnh tập trung thực hiện một số chương trình đột phá trong đó có chương trình đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp và nông nghiệp của tỉnh.

Trong thời gian tới, tỉnh Long An tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực bằng nhiều giải pháp trong đó có các hoạt động như: đẩy mạnh công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp Trung học Cơ sở, Trung học Phổ thông; nâng cao chất lượng đào tạo trong các cơ sở giáo dục; đẩy mạnh xuất khẩu lao động...

Còn với thành phố Cần Thơ - trung tâm vùng Đồng bằng sông Cửu Long, theo Bí thư Thành ủy Cần Thơ Lê Quang Mạnh, trong giai đoạn 2020-2025, thành phố tập trung thực hiện 3 khâu đột phá trong đó có phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao.

Hiện nay, Cần Thơ có hệ thống đa dạng các trường đại học, viện nghiên cứu gồm trên 70 đơn vị và khoảng trên 7.450 người có hoạt động nghiên cứu khoa học, trong đó có những đơn vị thuộc hàng đầu của quốc gia và khu vực về lĩnh vực nông nghiệp như Đại học Cần Thơ, Đại học Kỹ thuật Công nghệ Cần Thơ, Đại học Nam Cần Thơ, Viện Nghiên cứu Lúa Đồng bằng sông Cửu Long…

Đối với phát triển nguồn nhân lực, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học-công nghệ, Cần Thơ mong muốn tiếp tục mở rộng các hoạt động hợp tác, kết nối, liên kết chặt chẽ, hiệu quả giữa thành phố với các địa phương trong vùng; phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu bằng các chương trình, giải pháp bền vững, bài bản không chỉ trong phạm vi không gian của thành phố Cần Thơ mà là một hệ sinh thái chung của cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Nhìn nhận dưới khía cạnh một cơ sở đào tạo trọng điểm ở Đồng bằng sông Cửu Long, giáo sư Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ chia sẻ Trường Đại học Cần Thơ là cơ sở đào tạo đại học trọng điểm, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao thuộc nhiều ngành nghề, lĩnh vực, đặc biệt là nhân lực cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long và thành phố Cần Thơ. Hiện nay, trường có gần 200 ngành, chuyên ngành đào tạo trình độ đại học, thạc sỹ và tiến sỹ.

Trong thời gian tới, trường tiếp tục phát triển ngành nghề đào tạo, quy mô đào tạo theo định hướng đa ngành, đa lĩnh vực ở các trình độ với nhiều hình thức đào tạo, trên cơ sở đảm bảo chất lượng, đáp ứng được nhiều người có nhu cầu học tập và nhu cầu nhân lực có trình độ cao phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, đặc biệt là của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có thành phố Cần Thơ.

Trường cũng củng cố và phát triển mối quan hệ hợp tác và liên kết đào tạo, nghiên cứu khoa học với các cơ sở đào tạo trong vùng nhằm chia sẻ và khai thác tốt nguồn lực các bên, các tổ chức trong và ngoài nước có uy tín để phát triển và nâng cao năng lực đào tạo.

Trường Đại học Cần Thơ đang đặt mục tiêu trở thành một trong 20 trường đại học hàng đầu của Đông Nam Á trước năm 2030 và thuộc nhóm 1.000 trường đại học hàng đầu của thế giới trước năm 2045./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục