Nhân khẩu học thay đổi tạo nguồn phát triển con người như thế nào?

Sự thay đổi nhân khẩu học ở khu vực châu Á và Thái Bình Dương đang diễn ra với tốc độ nhanh nhất chưa từng có trong lịch sử.
Nhân khẩu học thay đổi tạo nguồn phát triển con người như thế nào? ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: wales.nhs.uk)

Chiều 27/4, tại Hà Nội, Chương trình phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam công bố Báo cáo phát triển con người khu vực châu Á-Thái Bình Dương với chủ đề “Định hình tương lai: Nhân khẩu học thay đổi có thể tạo nguồn phát triển con người như thế nào.”

Phân tích về các xu hướng dân số ở các nước trong khu vực, Báo cáo phát triển con người khu vực châu Á-Thái Bình Dương cho biết sự thay đổi nhân khẩu học ở khu vực châu Á và Thái Bình Dương đang diễn ra với tốc độ nhanh nhất chưa từng có trong lịch sử.

Nếu như ở châu Âu phải mất hàng thế kỷ mới có sự bùng nổ dân số trong độ tuổi lao động và giảm tỷ lệ sinh thì khu vực châu Á-Thái Bình Dương chỉ cần 30 năm để đạt được điều này.

Hiện số người trong độ tuổi lao động nhiều hơn và số người phụ thuộc ít hơn so với bất kỳ thời điểm nào trong lịch sử. Điều này tạo bàn đạp cho sự tăng trưởng.

Số người trong độ tuổi lao động chiếm 68% dân số toàn khu vực và số người phụ thuộc chiếm 32%.

Nếu một quốc gia có nhiều người trong độ tuổi lao động, có thể làm việc, tiết kiệm và nộp thuế thì quốc gia đó có tiềm năng chuyển đổi nền kinh tế và đẩy mạnh đầu tư cho y tế, giáo dục và xây dựng sự thịnh vượng trong tương lai.

Báo cáo cũng đưa ra khuyến nghị, nếu các nước trong khu vực không bắt đầu lên kế hoạch để tận dụng sự thay đổi về nhân khẩu học thì sẽ bỏ lỡ cơ hội duy nhất để thúc đẩy tăng trưởng đầu tư cho tương lai.

Báo cáo kêu gọi đối với các quốc gia có số người trong độ tuổi lao động chiếm tỷ lệ lớn, Chính phủ tạo ra việc làm phù hợp với lực lượng lao động và bình đẳng cho phụ nữ, đồng thời có giải pháp biến tiết kiệm thành đầu tư trong khu vực.

Đối với các quốc gia có dân số trẻ, Chính phủ cần phải đầu tư nhiều hơn cho giáo dục và chăm sóc sức khỏe, để thanh niên rời ghế nhà trường có thể làm việc một cách hiệu quả, phải khuyến khích sự tham gia của thanh niên trong đời sống xã hội.

Ở những quốc gia có dân số già hơn, Chính phủ cần thiết kế một hệ lương hưu hợp lý bền vững, hỗ trợ người cao tuổi tham gia nhiều hoạt động xã hội, thúc đẩy giá trị của mỗi công dân cao tuổi.

Nếu người cao tuổi muốn làm việc cần bảo đảm rằng họ có thể đóng góp những kỹ năng, kinh nghiệm của mình trong thị trường lao động.

Nhằm tối đa hóa tiềm năng từ thay đổi dân số, Báo cáo phát triển con người khu vực châu Á-Thái Bình Dương lần này đã đề xuất một loạt các chính sách cho Việt Nam như: cần tập trung vào năng suất và việc làm bền vững; chuyển đổi công nghệ, kỹ năng, đồng thời cải cách y tế và giáo dục rộng rãi; huy động tiết kiệm và đầu tư vào các ngành sản xuất; đảm bảo công bằng giới trên thị trường lao động; thúc đẩy cải cách an sinh xã hội./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục