Theo Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, những tháng cuối năm 2017, việc giảm lãi suất đang có nhiều yếu tố hỗ trợ từ phía trong nước và quốc tế.
Cụ thể là áp lực từ tỷ giá không quá lớn, đồng USD đã giảm hơn 7% so với đầu năm và khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất trong năm nay hiện xuống dưới 50%.
Cùng với đó, lạm phát nhiều khả năng đạt dưới mục tiêu 4% mà Quốc hội đề ra, việc phát hành trái phiếu Chính phủ năm tháng còn lại của năm 2017 chỉ còn khoảng 25% kế hoạch, lợi suất trái phiếu Chính phủ các kỳ hạn cũng đồng loạt giảm 0,2-0,3 điểm % so với thời điểm cuối tháng Sáu, thấp hơn khoảng 1 điểm % so với cùng kỳ 2016 ở các kỳ hạn, tạo điều kiện hỗ trợ việc giảm lãi suất đối với khu vực ngân hàng.
Cuối cùng, động thái từ nhà điều hành đang hỗ trợ lớn cho việc giảm lãi suất, đó là việc Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất điều hành trong tháng Bảy vừa qua. Cùng với đó, trần lãi suất cho vay ngắn hạn cũng được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh giảm đối với các lĩnh vực ưu tiên.
Đặc biệt, nút thắt xử lý nợ xấu đã có cơ chế pháp lý thuận lợi khi Quốc hội ban hành Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu và Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 ngày 19/7.
Báo cáo về tình hình kinh tế tháng 7/2017 và bảy tháng đầu năm 2017 của Ủy ban này cho biết, trên thị trường lãi suất huy động tương đối ổn định. Tính đến 20/6, lãi suất bình quân kỳ hạn 1 tháng ở mức 4,7%, 6 tháng ở mức 5,68%, 12 tháng ở mức 6,8%, 12-36 tháng ở mức 7,07%.
[Thống đốc yêu cầu các ngân hàng cắt giảm chi phí để hạ lãi suất]
Lãi suất cho vay có dấu hiệu giảm dần sau khi Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất điều hành và trần lãi suất cho vay ngắn hạn một số lĩnh vực ưu tiên. Cụ thể, lãi suất cho vay năm lĩnh vực ưu tiên giảm về mức 6,5%/năm, cá biệt đã có ngân hàng thương mại giảm về 6%/năm, thấp hơn trần quy định của Ngân hàng Nhà nước 0,5%.
Cũng tại báo cáo này, tín dụng tháng Bảy tiếp tục tăng trưởng tích cực. Ước tính đến hết tháng 7/2017, tín dụng tăng 9,3% so với cuối năm 2016, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm 2016. Tỷ trọng tín dụng trung và dài hạn có xu hướng giảm, ước chiếm khoảng 53,9% tổng tín dụng, thời điểm cuối năm 2016 là 55,1%.
Về tín dụng ngắn hạn, ước tính chiếm tỷ trọng 46,1% (cuối năm 2016 chiếm 44,9%). Cơ cấu tín dụng theo loại tiền tiếp tục duy trì ổn định. Tín dụng Việt Nam đồng chiếm khoảng 91,7% tổng tín dụng, tín dụng ngoại tệ chiếm 8,3% tổng tín dụng./.