Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đang hướng tới Hiệp định Đối tác Đầu tư và Thương mại xuyên Đại Tây Dương (TTIP), một thỏa thuận thương mại đầy tham vọng nhằm tạo ra sức mạnh kinh tế lớn và động lực tăng trưởng vượt bậc cho cả hai bên.
Phần lớn quá trình thảo luận hiệp định này được tiến hành bí mật. Những “kiến trúc sư” của thỏa thuận này khẳng định rằng TTIP sẽ giúp tạo ra GDP lớn hơn và mang lại nhiều việc làm hơn cho người dân ở hai bờ Đại Tây Dương. Tuy nhiên, chính những người được cho là sẽ hưởng lợi trực tiếp từ thỏa thuận này lại có quan điểm nghi ngại hay phản đối.
Ngoài TTIP còn có hai thỏa thuận xuyên Đại Tây Dương khác cũng cần được nhắc đến là Hiệp định Thương mại và Kinh tế Toàn diện (CETA) và Hiệp định Thương mại Dịch vụ (TISA).
Nếu như TTIP là cầu nối thương mại giữa Mỹ và EU, là thỏa thuận thương mại “đàn anh,” thì CETA cũng có “tầm vóc” không kém. Thỏa thuận này nối hai nền kinh tế Canada và EU, vừa được hai bên chính thức đặt bút ký hôm 30/10 tại thủ đô Brussels của Bỉ sau bảy năm đàm phán với rất nhiều khó khăn và nhượng bộ lẫn nhau. Trong khi đó, TISA là thỏa thuận thiên về thương mại dịch vụ giữa Mỹ, EU và một vài nước khác.
Điểm chung của cả ba thỏa thuận này là chúng được giữ bí mật nội dung trong quá trình đàm phán và có cơ chế thành lập “tòa án riêng,” cho phép các doanh nghiệp khởi kiện chính phủ nếu có bằng chứng về việc các chính phủ duy trì thuế quan hay có các hoạt động cản trở giao thương.
Hiện tại, phần lớn các quốc gia EU không cho phép nhập khẩu các loại hạt giống và cây trồng biến đổi gien, thịt bò giàu hormone và thịt gà chứa chlorine của Mỹ. Điều này sẽ gây ra những tranh cãi do mâu thuẫn với điều khoản ghi trong thỏa thuận TTIP, và nếu không tự tìm được hướng giải quyết, các doanh nghiệp Mỹ sẽ có quyền khởi kiện các chính phủ châu Âu theo cơ chế giải quyết tranh chấp giữa nhà nước và nhà đầu tư.
Những tranh cãi như thế này cần phải được giải quyết trên bàn đàm phán trước khi các bên đi đến nhất trí cuối cùng. Tuy nhiên, vấn đề là toàn bộ những cuộc bàn cãi đó không hề được bàn thảo tại Quốc hội hay tham vấn ý kiến người dân.
Các nhà phân tích có thể đánh giá cả ba thỏa thuận TTIP, CETA và TISA qua cùng một lăng kính và đều nhận thấy rằng trong bất kỳ thỏa thuận nào, các tập đoàn đa quốc gia cũng có vai trò rất lớn trong việc tạo ra các quy định và tiêu chuẩn mới về chất lượng thực phẩm, môi trường và dịch vụ công.
Đơn cử với TISA, các chính phủ thành viên "bị ép" phải chấp nhận tư nhân hóa dịch vụ công, một hình thức công khai trao lợi ích béo bở của ngành này cho các tập đoàn lớn.
Cơ quan Dịch vụ Y tế Quốc gia của Anh sẽ là một trong những cơ quan cung cấp dịch vụ công chịu ảnh hưởng nhiều nhất một khi TISA chính thức có hiệu lực. Hàng nghìn doanh nghiệp xã hội khác ở châu Âu, dù được các chính phủ hậu thuẫn hay ủng hộ, cũng đang đứng trước tình cảnh tương tự.
Trong khi đó, với hai thỏa thuận TTIP và CETA, những nhãn hiệu tư nhân nổi tiếng như xúc xích Cumberland và bánh nướng nhồi thịt Cornish của Anh, phomát Parmigiano-Reggiano của Italy, bánh tráng miệng Black Forest Gateau của Đức hay rượu Alsace Grand Cru của Pháp sẽ ít đất tồn tại trong thế giới tự do thương mại toàn diện.
Cuộc chiến bảo vệ những sản phẩm này sẽ vô cùng khó khăn. Những người theo quan điểm bảo hộ cần phải làm quen với quy trình giải quyết tranh chấp giữa nhà nước và nhà đầu tư (ISDS). Theo quy định trong TTIP, quy trình này không được tiến hành tại các tòa án thông thường mà sẽ được đưa ra những tòa án đặc biệt, với bồi thẩm đoàn gồm các luật sư kinh tế và chuyên gia quốc tế trong từng lĩnh vực chuyên ngành. Nói cách khác, cơ chế này không tuân theo hệ thống tư pháp thông thường mà hoàn toàn được tiến hành dựa theo những quy chuẩn riêng.
Đây cũng là một lý do khiến tiến trình đàm phán TTIP đã kéo dài nhiều năm nhưng hiện vẫn bị sa lầy trong những tranh cãi ở cả Mỹ và EU, khiến thỏa thuận này đang đứng trước nguy cơ đổ vỡ. Mới đây, Pháp đã kêu gọi chấm dứt các cuộc thảo luận và hoàn toàn từ bỏ TTIP.
Một số quốc gia khác trong EU cũng hưởng ứng lời kêu gọi này, trong đó có Đức. Bộ trưởng Kinh tế Đức Sigmar Gabriel còn ra tuyên bố mạnh mẽ khẳng định rằng: “Các cuộc thảo luận với Mỹ trên thực tế đã thất bại, cho dù không ai thực sự thừa nhận điều đó.”
Không chỉ riêng TTIP, số phận của TISA cũng không sáng sủa gì hơn.
Trong khi đó, CETA có vẻ đang hứa hẹn nhiều triển vọng hơn cả. Thỏa thuận này vừa được EU và Canada chính thức đặt bút ký hôm 30/10 vừa qua và đang chờ được thông qua tại Hội đồng châu Âu, Nghị viện châu Âu và nghị viện của tất cả các nước thành viên.
So với hai thỏa thuận trên, dường như CETA bao gồm các điều khoản thương mại ít gây tranh cãi hơn, cho dù vẫn tạo ra cơ chế "phủ đầu" người dân và mang lại lợi ích lớn hơn cho các tập đoàn đã có nhiều kinh nghiệm và chiếm lĩnh thương trường quốc tế.
Vì vậy, theo giới phân tích, những gì mà Mỹ và EU thực sự cần trong thời điểm này là xem xét lại kỹ càng những thỏa thuận thương mại tự do giữa hai bờ Đại Tây Dương. Mỹ và EU cần tái đầu tư vào các mô hình sản xuất-tiêu dùng địa phương và khu vực ở quy mô nhân lực phù hợp./.