Nhận diện thách thức để nâng cao hoạt động của tổ chức công đoàn

Tác động của quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang đặt ra những yêu cầu mới về sứ mệnh, vai trò đối với tổ chức công đoàn.
Các đại biểu tham dự hội thảo học “Công đoàn Việt Nam-90 năm xây dựng và phát triển.” (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ngày 24/7 tại Hà Nội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội đồng Lý luận Trung ương và Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đã tổ chức hội thảo khoa học “Công đoàn Việt Nam-90 năm xây dựng và phát triển.”

Hội thảo là sự kiện lớn nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 90 năm thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929-28/7/2019) diễn ra trên phạm vi cả nước.

Mục tiêu của hội thảo nhằm khái quát và khẳng định những cống hiến nổi bật, những thành tựu xuất sắc trong hoạt động công đoàn và phong trào công nhân Việt Nam suốt 90 năm qua. Bên cạnh đó, hội thảo hướng đến việc đánh giá cơ hội, thách thức và đề xuất định hướng lớn, giải pháp quan trọng cho hoạt động Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới.

[10 cán bộ công đoàn vinh dự nhận Giải thưởng Nguyễn Văn Linh]

Phát biểu đề dẫn tại hội thảo, ông Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho biết, hội thảo đã nhận được gần 30 bài tham luận sâu sắc về nội dung, phong phú về chủ đề. Các nội dung tham luận hội thảo là sản phẩm của tinh thần lao động trí tuệ chuyên sâu; sự tâm huyết, gắn bó với phong trào, giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam của các nhà khoa học, các học giả, các chuyên gia, các nhà quản lý trong và ngoài hệ thống Công đoàn Việt Nam.

Các bài tham luận đã được chia thành ba phiên thảo luận với các chủ đề: Vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ và những vấn đề lý luận cơ bản về tổ chức Công đoàn Việt Nam; Đóng góp xuất sắc của tổ chức Công đoàn Việt Nam trong 90 năm xây dựng và phát triển; Thời cơ, thách thức và những định hướng lớn đổi mới tổ chức và hoạt động Công đoàn Việt Nam, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.

Ông Bùi Văn Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, hiện nay, trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường; cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 có tác động sâu sắc đến các lĩnh vực của đời sống, mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức đối với các quốc gia.

Ông Cường nhấn mạnh, Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đặc biệt là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam-Liên minh châu Âu (EU)… sẽ có tác động trực tiếp đến tổ chức công đoàn Việt Nam.

“Người lao động có thêm cơ hội việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống; tiêu chuẩn lao động tiệm cận gần hơn với các công ước quốc tế, quan hệ lao động ngày càng đa dạng, phức tạp; yêu cầu của đoàn viên, người lao động đối với tổ chức Công đoàn ngày càng cao,” ông Bùi Văn Cường nhấn mạnh.

Theo ông Bùi Văn Cường, bối cảnh mới đòi hỏi tổ chức Công đoàn Việt Nam phải tiếp tục phát huy những kinh nghiệm và lợi thế đang có, khắc phục những tồn tại, hạn chế, bất cập, tập trung đổi mới đồng bộ cả về tổ chức, nội dung và phương thức hoạt động công đoàn để hoàn thành tốt vai trò tổ chức đại diện cho giai cấp công nhân, người lao động đồng thời là thành viên tích cực trong hệ thống chính trị Việt Nam.

Những ý kiến của các chuyên gia tại hội thảo sẽ được đúc rút thành chủ trương đổi mới mạnh mẽ, nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức công đoàn, để công đoàn thực sự là chỗ dựa vững chắc, giữ vững vai trò hạt nhân trong việc bảo vệ quyền lợi cho công nhân và những người lao động, tiếp nối truyền thống 90 năm xây dựng, trưởng thành và phát triển của tổ chức công đoàn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục