Nhận diện lý do khiến giới trẻ sử dụng thuốc lá mới

Theo Bộ Y tế, chỉ trong 4 năm kể từ 2019, tỷ lệ thanh thiếu niên 13-15 tuổi dùng thuốc lá điện tử tăng trung bình 0,3%/năm, riêng năm 2023 là 3,5%.

Australia cấm Thuốc là điện tử nhưng tỷ lệ người 18-24 tuổi hút Thuốc lá điện tử tăng từ 0,8% năm 2016 lên 9,3% năm 2023. (Nguồn: aihw.gov.au )
Australia cấm Thuốc là điện tử nhưng tỷ lệ người 18-24 tuổi hút Thuốc lá điện tử tăng từ 0,8% năm 2016 lên 9,3% năm 2023. (Nguồn: aihw.gov.au )

Tại Phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” lần thứ 2 vừa qua, nhiều em đã bày tỏ mong muốn Nhà nước sớm có quyết sách ngăn thuốc lá điện tử thâm nhập vào trường học. Lưu hành hơn 10 năm qua, nhưng thuốc lá nung nóng, thuốc lá điện tử vẫn chưa được đưa vào kiểm soát phù hợp. Do đó, tình trạng sử dụng thuốc lá điện tử ngày càng gia tăng, nhất là hiện tượng trà trộn chất cấm.

Thuốc lá điện tử “hút” giới trẻ Việt tương tự tình trạng tại các nước đang áp đặt lệnh cấm

Theo Bộ Y tế, chỉ trong 4 năm kể từ 2019, tỷ lệ thanh thiếu niên 13-15 tuổi dùng thuốc lá điện tử tăng trung bình 0,3%/năm, riêng năm 2023 là 3,5%.

Tại quốc gia đang cấm mặt hàng này là Singapore, chỉ trong quý 2/2023 đã ghi nhận gần 700 ca thanh thiếu niên nhập viện do sử dụng thuốc lá điện tử lậu.

Thái Lan, dù đã cấm từ 2014, vẫn gặp tình trạng nhập lậu và tỷ lệ giới trẻ sử dụng thuốc lá điện tử tăng cao, tương tự như Việt Nam.

Theo Quỹ hành động về thuốc lá và sức khỏe Thái Lan (ASHF), tỷ lệ hút thuốc lá điện tử trong độ tuổi 13-15 tăng từ 3,3% năm 2015 lên 17,6% năm 2023, tăng trung bình 1,7%/năm.

Chỉ ra nguyên nhân dẫn đến các ca ngộ độc thuốc lá điện tử ở giới trẻ khi sử dụng các sản phẩm không rõ xuất xứ, chất lượng, được nhập lậu hoặc sản xuất phi pháp trong nước, ông Lê Đại Hải - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp cho rằng, chính việc thiếu khung pháp lý đã vô tình “tiếp tay” cho sự phát triển của thuốc lá điện tử ở nhóm đối tượng này. Giới trẻ vốn là mục tiêu dễ câu dẫn nhất của các đối tượng kinh doanh lậu và buôn ma túy.

Kinh nghiệm quốc tế: “Cấm” bằng cách quản lý

Tại Mỹ, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) áp dụng bộ quy tắc kiểm soát thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng trên toàn liên bang nhằm ngăn chặn giới trẻ.

Các quy định đáng chú ý gồm tăng độ tuổi hợp pháp, cấp và thu hồi giấy phép cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh, giáo dục và nâng cao nhận thức cho các bên có tương tác với giới trẻ, giám định độ tuổi sử dụng, cấm hương vị thu hút, áp dụng tăng thuế lũy tiến và dựa theo mức độ gây hại của từng loại sản phẩm.

Kết quả, theo báo cáo mới nhất vào tháng 9/2024 của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC), tỷ lệ học sinh trung học hút thuốc lá điện tử tại Mỹ hiện đã giảm chỉ còn 5,9% so với 27,7% năm 2019.

Đặc biệt, chưa tới 1% giới trẻ Mỹ có sử dụng thuốc lá nung nóng.

thuoc la dien tu.PNG
Tỷ lệ học sinh Mỹ hút thuốc lá điện tử năm 2024 đã giảm gần 80% so với năm 2019. (Nguồn: CDC)

Nhật Bản, dù là thị trường thuốc là nung nóng lớn nhất thế giới, cũng chỉ 0,1% học sinh có sử dụng.

Theo thống kê của WHO, hiện tại có 184 quốc gia không cấm thuốc là nung nóng và 11 nước cấm. Chính phủ các nước cấm đang gặp phải tình trạng thất thu thuế, bội chi ngân sách chống buôn lậu, trong khi đó người dùng vẫn mua hàng chợ đen.

Ông Lê Đại Hải kiến nghị: “Đưa thuốc lá mới vào danh mục sản phẩm đánh thuế, từ đó vừa có thể kiểm soát tình trạng buôn lậu tràn lan hiện nay, vừa hạn chế người sử dụng, trong đó có giới trẻ.”

Theo ông Hải, hệ thống quy định pháp luật về thuốc lá của Việt Nam hiện đã tương đối hoàn thiện. Mọi loại thuốc lá đều cần được quản lý, bao gồm thuốc lá nung nóng-loại sản phẩm đã tương thích với khái niệm “thuốc lá” trong Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, nhằm ngăn chặn tiếp cận giới trẻ và hoàn thiện cơ sở pháp lý để cấm các sản phẩm chứa ma túy trá hình.

Bà Nguyễn Quỳnh Liên, Trưởng Ban Dân chủ, Giám sát và Phản biện xã hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng khẳng định “về mặt tổ chức bộ máy và cơ chế thực thi thì chúng ta không thiếu,” đặc biệt là đã có sự phối hợp của các cơ quan, bộ ngành, và kinh nghiệm quản lý thuốc lá điếu trước đây.

Bà Liên khuyến nghị, dù thế nào thì thuốc lá, rượu, bia, nước ngọt đều là sản phẩm có hại cho sức khỏe, nên quyết sách hiệu quả để bảo vệ giới trẻ vẫn là áp dụng biện pháp quản lý chặt chẽ các mặt hàng này.

Thực tế ngành game online (trò chơi trực tuyến) cho thấy quản lý là giải pháp hữu hiệu. Những năm 2005-2006 dấy lên quan ngại lớn trong xã hội về tình trạng “nghiện” game online của giới trẻ.

Thời điểm đó, dù đề xuất cấm cũng được đưa ra, nhưng Chính phủ đã chọn giải pháp quản lý. Quyết sách này đã thành công trong việc giảm thiểu hệ lụy của game online bằng các quy định phù hợp, giám sát từ khâu kiểm duyệt nội dung, quản lý độ tuổi, thời gian chơi đến chặn thanh toán lậu.

Từ đó thị trường game online phát triển lành mạnh, đúng định hướng và thu hút vốn đầu tư./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục