Chuyển đổi số là một trong những mục tiêu được quan tâm hàng đầu của Việt Nam. Với dân số 96 triệu người, có nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh trong khu vực, dân số trẻ năng động có khả năng tiếp cận công nghệ cao nhanh chóng, theo các chuyên gia, Việt Nam có tiềm năng rất lớn trong chuyển đổi số.
Mặt khác, ảnh hưởng từ đại dịch đã giúp doanh nghiệp nhận thấy con đường chuyển đổi số chính là để phát triển bền vững trong tương lai. Tuy vậy, để triển khai thành công, doanh nghiệp Việt gặp không ít khó khăn, thách thức.
Phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus đã có cuộc trò chuyện với ông Lê Vũ Minh - Giám đốc tư vấn chuyển đổi số của FPT Digital về vấn đề này.
Tạo ra “văn hóa số” cho doanh nghiệp
- Là người tư vấn cho một tập đoàn công nghệ lớn, theo ông nhìn nhận thì chuyển đổi số mang lại những lợi ích gì cho doanh nghiệp?
Ông Lê Vũ Minh: Theo tôi, lợi ích của chuyển đổi số có thể quy thành 2 nhóm. Đầu tiên là lợi ích về tài chính và phi tài chính.
Doanh nghiệp áp dụng công nghệ để tiếp cận những kênh bán hàng mới, tiến gần hơn với khách hàng, tăng được doanh thu hoặc áp dụng công nghệ giúp nâng cao hiệu suất công việc, kiểm soát tốt hơn để tối đa hóa lợi nhuận.
Tuy nhiên, khi thực hiện chuyển đổi số, chúng tôi luôn luôn nhấn mạnh có một lợi ích "phi tài chính" rất quan trọng. Đó là chúng ta ấn một "nút tái tạo" cho doanh nghiệp; mang một văn hóa mới - "văn hóa số" - vào doanh nghiệp, giúp nâng cao trình độ đội ngũ nhân viên, giúp họ nâng cao văn hóa đổi mới sáng tạo.
['Ông lớn' FPT chính thức đầu tư vào Base.vn để hợp lực chuyển đổi số]
Điều đó sẽ tạo một bước nhảy cho doanh nghiệp, giúp họ có thể sẵn sàng cho những thử thách trong tương lai mà đội ngũ của họ được rèn giũa thông qua chương trình chuyển đổi số.
Và, điều đó cũng khó đong đếm được bằng những con số cụ thể như doanh số, lợi nhuận.
- Sau nhiều năm "thực chiến," ông đánh giá như thế nào thì quá trình chuyển đổi số Việt Nam hiện nay, đặc biệt là khối doanh nghiệp.
Ông Lê Vũ Minh: Tạm thời chúng ta chia doanh nghiệp Việt Nam thành 2 nhóm: Nhóm doanh nghiệp Nhà nước và nhóm doanh nghiệp tư nhân.
Nhóm doanh nghiệp Nhà nước với lợi thế có khung thể chế nên cách tiếp cận rất bài bản, đầy đủ, từ trên xuống dưới.
Tuy nhiên, đó cũng có một vấn đề bởi khung thể chế đó tạo ra rào cản khiến các bước đi chưa được nhanh nhẹn, linh hoạt. Đôi lúc quá trình chuyển đổi số vẫn tốn nhiều thời gian cho việc thực hiện những thủ tục, quy trình liên quan. Trong khi đó, chuyển đổi số phải nhanh và phải linh hoạt.
Các doanh nghiệp tư nhân có sự linh hoạt, nhanh nhẹn hơn nhưng họ gặp phải một vấn đề là đôi lúc tiếp cận hơi rời rạc. Người ta nghĩ rằng áp dụng một số phần mềm, ứng dụng vào để thực hiện chuyển đổi số là hoàn thành.
Chúng ta cần nhìn nhận rằng chuyển đổi số là một hành trình, một sự tiếp nối liên tục, có sự đồng bộ, hình thành một bức tranh tổng quan.
Trong chuyển đổi số hiện nay thì số lượng các doanh nghiệp Việt Nam tập trung vào công tác "số hóa" nhiều hơn. Các đơn vị áp dụng đúng các khái niệm về chuyển đổi số để tạo ra các chiến lược và hướng đi bài bản thực tế chưa nhiều.
- Theo ông, các doanh nghiệp gặp phải vấn đề khó khăn gì nhất khi thực hiện chuyển đổi số?
Ông Lê Vũ Minh: Khi thực hiện chuyển đổi số thì điều quan trọng là cả doanh nghiệp cần phải có sự đồng thuận, có một góc nhìn chung từ từ lãnh đạo tới nhân viên. Nhưng hiện nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang thiếu điều này.
Nhiều trường hợp lãnh đạo có cơ hội tiếp cận thông tin và họ nhìn ở một góc rất cao. Tuy nhiên, các bạn bên dưới thì sẽ tập trung vào những công việc hằng ngày của mình và chỉ tập trung vào những phần việc cụ thể, chi tiết.
Vậy làm thế nào hai cái góc nhìn đó được kéo gần lại với nhau để hình thành một điểm chung và từ đồng thuận đấy thì chúng ta mới có thể đi tiếp là điều rất quan trọng.
- Xin ông hãy nêu một vài ví dụ về việc FPT Digital đã chuyển đổi số thành công cho những doanh nghiệp tại Việt Nam?
Ông Lê Vũ Minh: FPT Digital đã có cơ hội làm việc với một doanh nghiệp trong lĩnh vực thủy sản.
Ngành nông nghiệp là một trong những ngành cốt lõi của Việt Nam. Các doanh nghiệp nông nghiệp đang gặp rất nhiều vấn đề như thâm dụng lao động cao; rủi ro rất lớn từ thiên tai, dịch bệnh; lợi nhuận không được nhiều.
Thông qua một hành trình hợp tác, chúng tôi đã hỗ trợ doanh nghiệp bằng việc đưa một hàm lượng công nghệ lớn vào trong công việc hàng ngày của họ.
Doanh nghiệp đó có một chuỗi giá trị rất dài từ nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu. Trong đó đầu vào vốn là phần rất quan trọng lại bấp bênh và ảnh hưởng đến toàn bộ chuỗi giá trị.
Chúng tôi cùng họ tập trung vào giải quyết khâu đầu vào bằng việc áp dụng công nghệ mới như AI, tự động hóa, phân tích dữ liệu để giúp kiểm soát toàn bộ phần nuôi trồng ban đầu.
[Đưa Việt Nam trở thành quốc gia số vào năm 2030]
Thay bằng việc thủ công, tốn nhiều lao động thì chúng tôi giúp nâng cao năng suất bằng tự động hóa, giúp họ chính xác trong khâu quản lý lượng đầu vào để từ đó nâng cao chất lượng sản phẩm.
Thông qua quá trình làm việc từ năm 2020 đến nay doanh nghiệp đã tạo ra được bộ sản phẩm thông minh đã áp dụng trên quy mô khoảng 300ha nuôi thủy sản, nâng cao 20-30% năng suất.
Chuyển đổi số không phải đích đến mà là một hành trình
- Nhiều doanh nghiệp có vẻ “ngại” vì lo rằng sẽ mất nhiều thời gian cho chuyển đổi số và họ “sợ” sẽ không có doanh số tốt, nhất là trong bối cảnh khó khăn hiện nay. Ông nghĩ sao về vấn đề này?
Ông Lê Vũ Minh: Trong khoảng 2-3 năm trở lại đây, tôi thấy các doanh nghiệp đã nhận thức rất tốt về chuyển đổi số. Họ không đặt câu hỏi tôi có nên làm hay không mà câu hỏi là các anh giúp tôi làm như thế nào. Nghĩa là họ đã biết rằng phải làm rồi và cần bắt tay ngay vào việc.
Chúng ta phải hình dung rằng chuyển đổi số không phải là đích đến mà là hành trình mà chúng ta luôn kế thừa và phát triển. Chúng tôi luôn luôn trao đổi khách hàng hai khía cạnh.
Thứ nhất là về góc nhìn, tầm nhìn: Họ phải coi đây là một chặng đường mà doanh nghiệp thực sự chuyển đổi từ truyền thống trở thành một doanh nghiệp mang tính chất đổi mới sáng tạo, luôn luôn tạo ra những giá trị mới và nâng cao hiệu suất.
Tiếp theo, chuyển đổi số là một hành trình liên tục. Tuy nhiên, trên hành trình liên tục đó sẽ được cắt nhỏ ra thành các mốc từ 3-6 tháng để tiến hành những công việc cụ thể, đạt được những thành quả cụ thể.
Tất cả những dấu mốc đó sẽ trở thành những bậc thang để dần dần đưa doanh nghiệp bước một tầm cao mới.
- Theo ông, các doanh nghiệp trong nước cần những điều kiện gì để tiến hành chuyển đổi số?
Ông Lê Vũ Minh: Chúng ta đừng nghĩ câu chuyện chuyển đổi số là cái gì to tát. Các doanh nghiệp Việt Nam đã và đang chuyển đổi số chứ không phải họ đợi FPT hay bất kỳ một nhà cung cấp nào vào rồi mới thực hiện.
FPT Digital sẽ đơn giản chỉ hệ thống lại và đưa ra những lộ trình để họ làm bài bản hơn và giúp doanh nghiệp có một cấu trúc, cách đi chiến lược và đem lại hiệu quả tốt hơn.
- Theo ông, xu thế chuyển đổi số trong những năm tới sẽ là gì?
Ông Lê Vũ Minh: Chúng ta không có cái gọi là xu thế chuyển đổi số vì đó là một hành trình và trong mỗi một hành trình thì sự biến đổi của công nghệ là liên tục.
Nhưng có một số điểm mà chúng ta nên nghiên cứu, chẳng hạn như xu hướng về phát triển bền vững, sử dụng năng lượng xanh. Đây là những xu hướng chung và Việt Nam cũng không nằm ngoài. Do đó, doanh nghiệp không nên chỉ ứng dụng công nghệ vào sản xuất kinh doanh mà cần phải có những mục tiêu bền vững này.
Người ta sẽ sử dụng công nghệ số để đạt được việc phát triển bền vững. Đây sẽ là một hướng đi trong tương lai.
- Xin cảm ơn ông!