Nhận diện hình thái kiến trúc cung điện Việt Nam thời Lê sơ

Theo PGS.TS Bùi Minh Trí, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh thành, việc nghiên cứu hình thái kiến trúc Lê sơ có ý nghĩa quan trọng trong việc phục dựng Điện Kính Thiên tại Hoàng cung Thăng Long.
Hoàng thành Thăng Long. (Nguồn: TTXVN)

Nằm trong chuỗi sự kiện chào mừng kỷ niệm 10 năm thành lập Viện Nghiên cứu Kinh thành (2011-2021) sáng 12/11, Viện Nghiên cứu Kinh thành thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức Tọa đàm khoa học “Nhận diện hình thái kiến trúc cung điện Việt Nam thời Lê sơ."

Phát biểu khai mạc và báo cáo đề dẫn tại tọa đàm, Phó giáo sư, tiến sỹ Bùi Minh Trí, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh thành, cho biết trong lịch sử cổ trung đại phương Đông, kiến trúc cung điện là khái niệm chung để nói đến các loại hình kiến trúc do triều đình xây dựng; được thiết kế xây dựng chủ yếu ở bên trong các kinh thành hay bên ngoài kinh thành, ở những nơi thuộc về hoặc do triều đình trực tiếp quản lý, xây dựng.

[Video] Đẩy nhanh nghiên cứu phục dựng Điện Kính Thiên

Giống như thời Lý-Trần, thời Lê sơ cũng không còn cung điện nào tồn tại trên mặt đất, sử sách cũ cũng không có ghi chép gì nhiều về các cung điện trong hoàng cung. Vì vậy, việc nhận diện hình thái kiến trúc cung điện thời Lê sơ rất quan trọng.

Nghiên cứu hình thái kiến trúc Lê sơ giúp nhận diện hình thái cung điện, đồng thời có ý nghĩa quan trọng trong việc phục dựng Điện Kính Thiên tại Hoàng cung Thăng Long. Vì vậy, tọa đàm tập trung khai thác các tư liệu khảo cổ học được khai quật tại Hoàng thành Thăng Long và khu di tích Lam Kinh (Thanh Hóa).

Nhằm bước đầu công bố một số kết quả nghiên cứu mới về kiến trúc cung điện Việt Nam thời Lê sơ, tọa đàm tập trung vào 3 vấn đề chính: kết quả khai quật, nghiên cứu khảo cổ học, sử học về kiến trúc cung điện thời Lê sơ tại Hoàng thành Thăng Long và khu di tích Lam Kinh (Thanh Hóa); nhận diện hình thái kiến trúc cung điện thời Lê sơ tại Hoàng cung Thăng Long dưới ánh sáng tư liệu của khảo cổ học; nghiên cứu so sánh kiến trúc cung điện Việt Nam thời Lê sơ với kiến trúc cung điện tương tự ở Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc thế kỷ 15-16.

Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Lam Kinh. (Ảnh: Hoa Mai/TTXVN)

Trình bày đôi nét về kiến trúc thời Lê qua nghiên cứu, khai quật di tích Lam Kinh (Thanh Hóa), tiến sỹ Nguyễn Văn Đoàn, Bảo tàng lịch sử Quốc gia cho rằng Lam Kinh là khu di tích lịch sử, văn hóa với nhiều công trình kiến trúc, lăng mộ có quy mô to lớn, mật độ dày đặc, được kiến tạo trên cơ sở tận dụng và cải biến môi trường sinh thái tự nhiên kết hợp quan niệm về phong thủy, tạo thành một không gian bề thế và linh thiêng, in đậm trong tâm thức dân gian, gắn với tên tuổi, sự nghiệp của vị anh hùng dân tộc Lê Lợi và khởi nghĩa Lam Sơn vĩ đại, sự tôn vinh của triều đại quân chủ và ghi nhận của nhân dân về công lao của triều đại nhà Lê trong lịch sử.

Các kiến trúc ở trung tâm Lam Kinh được bao bọc bởi hệ thống tường thành, đều là các công trình có qui mô to lớn, thể hiện trình độ kỹ thuật, mỹ thuật cao với hai lớp kiến trúc chủ yếu thời Lê sơ (thế kỷ 15-16) và Lê trung hưng (thế kỷ 17-18).

Các mặt bằng hình chữ Công niên đại Lê sơ (ở Chính Điện), hay bố cục hình chữ nhật xếp thành vòng cung (các tòa Thái Miếu) là các mặt bằng kiến trúc đặc biệt, lần đầu tiên xuất hiện trong lịch sử kiến trúc Việt Nam và tiếp tục kế thừa, phát triển trong giai đoạn Lê trung hưng.

Với bố cục mặt bằng hình chữ Công, các công trình kiến trúc đã phát triển, được mở rộng không gian sử dụng, thể hiện rõ vai trò là kiến trúc chính, quan trọng trong các kiến trúc điện, miếu, công sở, dinh thự và nghi lễ, tôn giáo sau này.

“Khu trung tâm Lam Kinh nói riêng, Lam Sơn nói chung là một quần thể di tích quan trọng, là trang sử sống động của dân tộc suốt gần 4 thế kỷ (từ thế kỷ 15 đến thế kỷ 18), rất có ý nghĩa và giá trị nghiên cứu, cần được bảo tồn và tôn vinh. Kết quả nghiên cứu, khai quật các công trình điện, miếu, các kiến trúc phụ cận cùng hệ thống lăng mộ Lam Kinh, với những nét đặc trưng cơ bản về loại hình, bố cục mặt bằng, kỹ thuật xây dựng, nghệ thuật trang trí, đã trở thành cứ liệu khoa học, làm cơ sở so sánh, đối chiếu và xác lập niên đại cùng quá trình tồn tại những di tích kiến trúc cùng thời," tiến sỹ Nguyễn Văn Đoàn nhấn mạnh.

Tại hội thảo, các chuyên gia, các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước cùng đề cập tới những thành tựu nghiên cứu mới liên quan đến kiến trúc cung điện Việt Nam thời Lê sơ dưới nhiều góc độ và phương pháp tiếp cận dựa trên cơ sở các nguồn tư liệu khảo cổ và sử liệu.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục