Kinh tế trong nước và thế giới xuất hiện nhiều diễn biến bất lợi, do vậy Việt Nam cần phải có những giải pháp phù hợp để duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo các cân đối lớn, từ đó có thể hạn chế tối đa các rủi ro và bất ổn cho nền kinh tế.
Trước yêu cầu đó, Ban Kinh tế Trung ương và Chính phủ đồng chủ trì chỉ đạo tổ chức Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ năm với chủ đề “Kinh tế Việt Nam 2023: Ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn, vững vàng vượt qua thách thức,” ngày 17/12.
Đối diện rủi ro “kép”
Tại diễn đàn, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trần Tuấn Anh nhấn mạnh kinh tế thế giới đang trong giai đoạn đặc biệt khó khăn, khi phải cùng lúc đối mặt với hai vấn đề rất khó giải quyết đó là suy giảm kinh tế đi liền với lạm phát tăng cao.
Trong khi đó, nền kinh tế nội địa còn những bất cập, hạn chế đồng thời xuất hiện nhiều diễn biến bất lợi, trong đó nhiều vấn đề mới phát sinh chưa có tiền lệ...
[Lành mạnh hóa thị trường tài chính là ‘chìa khóa’ tháo gỡ vướng mắc]
Những điều này đang đặt ra thách thức gay gắt đối với ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định tài chính, tiền tệ, nợ công, an ninh năng lượng và các vấn đề an sinh xã hội và tác động trực tiếp tới việc thực hiện các mục tiêu phát triển cả trước mắt và dài hạn.
Trước tình hình đó, Trưởng ban Kinh tế, Trần Tuấn Anh cho rằng cần phải nhận diện đúng các cơ hội cũng như những khó khăn thách thức, từ đó đề xuất các chủ trương, chính sách thích ứng phù hợp. Đây là điều kiện cần để đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và thực hiện thành công các mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 mà Nghị quyết Đại hội XIII cũng như các Nghị quyết của Đảng đã đề ra.
Đánh giá tình hình kinh tế - xã hội trong nước thời gian tới, Phó Chủ tịch Quốc hội, Nguyễn Đức Hải chỉ ra vẫn còn nhiều khó khăn. Vì vậy, việc giữ vững, củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, thúc đẩy, phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội sẽ đối mặt với nhiều thách thức, nhất là những rủi ro, bất định trên bình diện quốc tế.
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng việc cấp thiết là nhận diện đầy đủ nguy cơ, rủi ro, để từ đó đánh giá kịp thời các tác động và có giải pháp kịp thời, phù hợp bảo đảm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, ổn định thị trường tiền tệ, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản cũng như bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, nhà đầu tư, các chủ thể liên quan theo quy định của pháp luật.
Để đạt được mục tiêu này, ông Hải yêu cầu cần tập trung giải quyết căn cơ, gốc rễ, phù hợp với nguyên nhân, điểm nghẽn. Trong đó, việc ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh, hoạt động trong khu vực doanh nghiệp là tiền đề để ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế và tạo việc làm, giảm thất nghiệp, tăng thu nhập cho người dân.
Ông Hải nhấn mạnh cần đặc biệt lưu ý mối quan hệ mật thiết, tính liên thông giữa thị trường tín dụng - trái phiếu - chứng khoán - bất động sản để điều hành đồng bộ, phù hợp.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, “Điều hành lãi suất, tỷ giá, dự trữ ngoại hối, cung tiền sát thực với diễn biến tình hình kinh tế-xã hội của đất nước (như biên độ, thời gian điều chỉnh phải tính toán, dự báo phù hợp, có tầm nhìn, không gây sốc cho nền kinh tế), bảo đảm thanh khoản của hệ thống các tổ chức tín dụng, cung cấp đủ vốn cho nền kinh tế tập trung vào sản xuất, kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng đồng thời ổn định và phát triển thị trường lao động.”
Để đạt mục tiêu kiểm soát chặt chẽ lạm phát trong điều kiện áp lực lạm phát dai dẳng của nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới, Phó chủ tịch Quốc hội cho rằng phải lưu ý rủi ro lạm phát đến từ phía cầu do nới lỏng chính sách tài khóa, tiền tệ và đến cả từ phía cung do đứt gãy nguồn cung, giá năng lượng tăng cao; có giải pháp ổn định giá cả hàng hóa, bảo đảm cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu phục vụ sản suất và đời sống nhân dân đặc biệt là điện, xăng, dầu.
Tám nhóm giải pháp đồng bộ
Để hóa giải và khắc phục những khó khăn, thách thức, giải quyết những điểm nghẽn phát triển của nền kinh tế... hướng tới đạt mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2023 và 5 năm 2021-2025, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ ra tám nhóm nhiệm vụ, giải pháp.
Thứ nhất là kiên định, nhất quán và bám sát quan điểm, mục tiêu, định hướng chỉ đạo, điều hành về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023, trong đó giữ vững thành quả về phòng, chống dịch COVID-19 đồng thời ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Bên cạnh đô, công tác điều hành thực hiện đồng bộ, linh hoạt giữa chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác phù hợp.
Thứ hai là lấy đổi mới, cải cách, nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, hội nhập và thực thi pháp luật hiệu lực, hiệu quả là điều kiện tiên quyết để thúc đẩy phát triển đất nước.
Thứ ba là tập trung hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông, các dự án hạ tầng chuyển đổi số, năng lượng, thương mại, văn hóa, xã hội, nông nghiệp, nông thôn, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Thứ tư, phát huy tối đa nhân tố con người, coi con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực chủ yếu và mục tiêu của sự phát triển, trong đó chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với đẩy mạnh nghiên cứu khoa học.
Thứ năm, phát triển nhanh song phải bền vững, dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, coi đây là nhân tố quyết định để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Thứ sáu là triển khai thực hiện tốt sáu Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển vùng, tạo sự liên kết giữa các vùng, gắn với liên kết các khu vực kinh tế, các loại hình sản xuất kinh doanh.
Thứ bảy, thực hiện hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội trong năm 2023, để tiếp tục tiết giảm chi phí, hỗ trợ dòng tiền cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, trong đó chú trọng bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người dân, nhất là người lao động, người nghèo, người yếu thế...
Cuối cùng, người đứng đầu ngành Kế hoạch và Đầu tư cho rằng cần chủ động, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; gắn kết chặt chẽ, hài hoà giữa phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội.
"Bên cạnh việc thực hiện các biện pháp bảo đảm thị trường trái phiếu doanh nghiệp lành mạnh, tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế, cần tiếp tục thực hiện các định hướng lớn về phát triển bền vững, như tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn...,” Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói./.